Nhà Trắng ngày 8/6 thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thành lập một nhóm chuyên trách về thương mại, do Đại diện Thương mại Katherine Tai phụ trách, nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm sản xuất của các ngành công nghiệp Mỹ và tình trạng xói mòn các chuỗi cung ứng trọng yếu đối với những sản phẩm như chất bán dẫn hay dược phẩm.
Những biện pháp này được nêu trong bản đánh giá dài 255 trang được công bố cùng ngày Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 250 tỷ USD nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của Washington trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Bắc Kinh leo thang.
Đề cập tới gần như mọi khía cạnh của mối quan hệ ngày càng phức tạp, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, đạo luật này dự kiến chi hàng trăm tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.
"So với chính quyền Trump, chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc đã trở nên quyết liệt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao", Thời Ân Hoằng, giáo sư khoa chính trị quốc tế, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét. "Các biện pháp ngày càng chi tiết và toàn diện hơn".
Tổng thống Biden hồi tháng hai ra lệnh rà soát những chuỗi cung ứng quan trọng, yêu cầu các cơ quan hành pháp báo cáo lại trong vòng 100 ngày về những rủi ro đối với Mỹ khi tiếp cận những hàng hóa cần thiết như dược phẩm, chất bán dẫn hay đất hiếm. Đây là các mặt hàng mà Washington vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Bản đánh giá chuỗi cung ứng không nhắm mục tiêu trực tiếp vào Trung Quốc nhưng một số khuyến nghị rõ ràng hướng tới cạnh tranh với nền kinh tế số hai thế giới, theo giới phân tích.
Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich, cho biết bản đánh giá cho thấy "mức độ tham gia tương đối cao của chính phủ" đối với ngành sản xuất nội địa và trợ cấp cho các công ty tư nhân.
"Dù chính quyền Mỹ thường không thích các chính sách công nghiệp nhưng nhiều khuyến nghị trong bản đánh giá mới nhất chính là các chính sách công nghiệp", Olson nói, thêm rằng một số đề xuất thậm chí phải mất hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ mới có thể cho "trái ngọt".
Chính sách công nghiệp là thuật ngữ để chỉ loạt biện pháp được một chính phủ thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ công nghệ và cải thiện cơ hội việc làm.
Mỹ lâu nay vẫn chỉ trích chính sách công nghiệp "Made in China 2025" của Bắc Kinh chỉ là phương tiện để cung cấp cho các công ty nhà nước những lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.
Olsen nhận định việc thành lập nhóm chuyên trách thương mại dường như là sáng kiến có tác động lớn nhất trong bản đánh giá, khi luật thương mại Mỹ không thể theo kịp những thách thức mà các doanh nghiệp nước này hiện phải đối mặt, đặc biệt là từ Trung Quốc.
"Tôi hy vọng quá trình này sẽ giúp xây dựng được những công cụ thương mại mới hoặc được tinh chỉnh, cho phép Mỹ xử lý hiệu quả và chính xác những hoạt động thương mại méo mó bắt nguồn từ các nền kinh tế phi thị trường, quản lý tập trung như Trung Quốc", Olsen, cựu chuyên gia đàm phán tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cho hay.
Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, cho rằng các biện pháp của Mỹ nhằm lấp đầy những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng không phải một động thái theo đúng định hướng toàn cầu hóa.
"Điều này được thúc đẩy bởi tâm lý Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn các công ty hợp tác kinh doanh với nhau. Nó thực sự đi ngược vòng quay phát triển của lịch sử", Wang bình luận. "Sau nhiều năm Mỹ dẫn đầu toàn cầu hóa, chúng ta thực sự đã thiết lập được một chuỗi giá trị toàn cầu năng suất và hiệu quả".
Báo cáo ngày 8/6 làm bật lên sự phụ thuộc của Mỹ vào việc nhập khẩu nam châm neodymium, nguyên tố đất hiếm quan trọng được sử dụng trong ổ cứng máy tính và động cơ điện. Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc xem có nên tiến hành một cuộc điều tra về tác động của nam châm neodymium đối với an ninh quốc gia không.
Theo Olson, việc tiến hành cuộc điều tra này, dựa trên Điều 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, rõ ràng nhắm mục tiêu vào Trung Quốc. "Điều 232 minh họa lý do vì sao luật phòng vệ thương mại Mỹ cần được cập nhật. Đó là một công cụ có từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng không còn hiệu quả", ông nói.
Theo một cố vấn Quốc vụ Viện Trung Quốc, Bắc Kinh có thể gặp khó khăn trong việc đối phó nhóm chuyên trách thương mại của Washington nếu như Mỹ lôi kéo được các quốc gia khác cùng hợp tác.
"Nếu những quốc gia phát triển cùng hợp lực và có hành động phối hợp tác động tới các chuỗi cung ứng, Trung Quốc sẽ có rất ít biện pháp hiệu quả để đáp trả", ông này nói.
Nhưng Nicole Bivens Collinson, chuyên gia về thương mại quốc tế và quan hệ với chính phủ tại hãng luật Sandler, Travis & Rosenberg, cho rằng hiện tại thông tin về nhóm chuyên trách thương mại của Mỹ còn khá mơ hồ. Mặt khác, ý định phối hợp với các đồng minh của chính quyền Biden vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Quốc hội Trung Quốc ngày 9/6 cho biết dự luật Thượng viện Mỹ đưa ra chỉ nhằm mục đích duy trì quyền bá chủ của Washington bằng cách phóng đại cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc. "Dự luật cho thấy những ảo tưởng hoang đường về tính độc quyền đã làm sai lệch ý định ban đầu về đổi mới và cạnh tranh", tuyên bố từ quốc hội Trung Quốc có đoạn.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)