"Sửa chữa tàu ngầm USS Connecticut ở một trong các nhà máy thuộc sở hữu chính phủ sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn, gián đoạn toàn bộ công việc tại những cơ sở này", quyền Thứ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách nghiên cứu, phát triển và mua sắm Jay Stefany nói trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm qua.
Phát biểu được đưa ra sau khi các thành viên ủy ban đặt câu hỏi về khả năng sửa chữa tàu ngầm tấn công USS Connecticut bị hư hại trong vụ va chạm vật thể lạ ở Biển Đông hồi đầu tháng 10, trong bối cảnh các nhà máy đóng tàu Mỹ đang quá tải với hoạt động sửa chữa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tàu sân bay.
"Tàu ngầm đang ở Guam, tại đó không có xưởng cạn, hy vọng tàu bảo dưỡng tàu ngầm có thể làm được công việc, nhưng điều này chưa chắc chắn. Các nhà máy đóng tàu thường không dành ưu tiên cho tàu ngầm tấn công, nhưng chúng ta hiểu rằng tàu ngầm lớp Seawolf đặc biệt có giá trị với nhiều nhiệm vụ trên toàn thế giới", Thứ trưởng Stefany nói thêm.
Hải quân Mỹ sở hữu 4 nhà máy đóng tàu, tất cả đều không đáp ứng được nhu cầu bảo dưỡng lực lượng, dẫn tới tình trạng chậm tiến độ suốt nhiều năm qua. Sự cố phát sinh của tàu ngầm USS Connecticut sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho nỗ lực này.
Hồi tháng 3, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ công bố báo cáo cho biết các nhà máy đóng tàu hải quân có thể chậm tiến độ bảo dưỡng đến hàng chục năm. "Chúng tôi dự đoán hải quân Mỹ sẽ gặp tình trạng chậm trễ trong suốt 30 năm tới, do nhu cầu công việc đang vượt quá năng lực của nhà máy trong 25-30 năm tiếp theo", báo cáo có đoạn.
Tới ngày 26/10, giới chức Mỹ vẫn chưa xác định được tàu ngầm Connecticut va phải vật thể gì dưới nước trước đó 24 ngày. Giới chức hải quân Mỹ từng nêu giả thuyết tàu ngầm Connecticut va phải núi ngầm dưới Biển Đông, song các điều tra viên chưa xác nhận điều này.
Hai quan chức quốc phòng Mỹ ngày 27/10 cho biết tàu ngầm USS Connecticut đâm phần mũi vào vật thể chưa xác định khi lặn dưới Biển Đông, khiến bể dằn phía trước bị hư hại, buộc chiến hạm phải nổi lên và di chuyển về Guam trong suốt một tuần.
Các chuyên gia cho rằng sự cố USS Connecticut có thể là hồi chuông cảnh tỉnh với Mỹ, cho thấy điểm yếu nguy hiểm về cơ sở hạ tầng ở Thái Bình Dương khi Guam không còn nhân lực và thiết bị để sửa chữa tàu ngầm.
Vụ va chạm có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn và ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Vũ Anh (Theo USNI)