Lầu Năm Góc quyết định rút ngân sách, không sửa chữa oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit. "Chiếc B-2 bị loại khỏi ngân sách năm tài khóa 2025 do quá trình sửa chữa được đánh giá là không phù hợp về mặt kinh tế", báo cáo cấu trúc lực lượng thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn viết.
Năm tài khóa 2025 sẽ bắt đầu từ ngày 1/10. Động thái của Lầu Năm Góc đánh dấu oanh tạc cơ B-2 thứ hai của Mỹ bị loại khỏi biên chế do tai nạn. Không quân Mỹ chỉ còn 19 chiếc Spirit, trong đó một máy bay đang phải sửa chữa dài hạn do sự cố sập càng khi hạ cánh năm 2021.
Giới chức Mỹ chưa tiết lộ số phận của phi cơ sau khi nó bị loại biên.
Ngày 10/12/2022, máy bay B-2 mã hiệu 90-0041, có biệt danh Spirit of Hawaii, gặp sự cố trên không và phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ Whiteman ở bang Missouri. Nhân chứng tại hiện trường nói rằng phi cơ lao khỏi đường băng và bốc cháy.
Hình ảnh được công bố sau đó cho thấy phần càng đáp máy bay bị sập, khiến cánh trái tì xuống mặt đất và đám khói bốc lên từ phía đuôi. Một bức ảnh khác cho thấy cột khói bốc lên từ căn cứ Whiteman.
Vụ tai nạn đã vô hiệu hóa đường băng tại căn cứ Whiteman, căn cứ duy nhất của phi đội B-2 Spirit, trong một tuần và khiến lực lượng này bị cấm bay suốt 6 tháng sau đó. Không quân Mỹ chưa công bố nguyên nhân dẫn tới sự cố.
B-2 Spirit là mẫu oanh tạc cơ chiến lược được Mỹ ra mắt năm 1988, cũng là phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành chế tạo một chiếc B-2 khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay. Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD. Dòng B-2 là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ, nhờ khả năng tàng hình trước radar đối phương.
Mỹ đã sản xuất tổng cộng 21 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn do sự cố trong lúc cất cánh tại đảo Guam hồi năm 2008. Một phi cơ khác bị hỏng nặng do cháy trên mặt đất năm 2010, nhưng được sửa chữa và đưa trở lại biên chế với chi phí rất cao.
Máy bay mã hiệu 89-0129, biệt danh Spirit of Georgia, bị hỏng nặng do sập càng khi hạ cánh ở căn cứ Whiteman hồi tháng 9/2021. Không quân Mỹ sau đó vá tạm máy bay bằng băng dính nhôm để đưa nó về nơi sản xuất, bắt đầu giai đoạn sửa chữa toàn diện. Thời gian và chi phí thực hiện quá trình này không được tiết lộ.
Vũ Anh (Theo War Zone)