Cơ quan phụ trách chương trình F-35 Mỹ (F-35 JPO) ngày 25/10 xác nhận đã cho ngừng bay một số tiêm kích F-35 có số giờ bay lớn để kiểm tra, nhưng từ chối tiết lộ số lượng cụ thể các tiêm kích bị dừng bay. Theo nguồn tin của Defense News, hơn 20 tiêm kích F-35B đã bị cấm bay trong đợt này.
"Đội kỹ thuật hỗn hợp của chính phủ và doanh nghiệp hoàn tất việc đánh giá các ống bơm nhiên liệu của động cơ Pratt&Whitney lắp trên tiêm kích F-35. Ngoài ống cấp nhiên liệu gặp lỗi được phát hiện trước đó, cần phải kiểm tra cả hai ống cấp nhiên liệu bổ sung", theo thông cáo của F-35 JPO.
Lầu Năm Góc hôm 12/10 đã ra lệnh cấm bay đối với toàn bộ tiêm kích F-35 sau khi phát hiện ống cấp nhiên liệu của tiêm kích này gặp sự cố, vốn được cho là nguyên nhân khiến một tiêm kích F-35B của Mỹ rơi ngày 28/9 gần Beaufort. Đến ngày 14/10, các tiêm kích F-35 được cất cánh trở lại sau khi trải qua các cuộc kiểm tra ống dẫn nhiên liệu.
Trong đợt kiểm tra thứ hai này, đơn vị bảo dưỡng có thể phải thay thế ống cấp nhiên liệu bổ sung của các động cơ F-35 có số giờ hoạt động cao. Nguồn tin riêng khác cho biết các ống cấp nhiên liệu này đều do một hãng sản xuất theo cùng một phương pháp.
Việc thay thế ống cấp nhiên liệu bổ sung được ưu tiên cho tiêm kích F-35B với số giờ hoạt động cao do tiến trình cất cánh quãng ngắn và hạ cánh thẳng đứng của tiêm kích này có áp lực cao hơn so với các phiên bản F-35 khác. Tiêm kích F-35A và tiêm kích hạm F-35C sẽ được thay ống cấp nhiên liệu bổ sung khi tới kỳ bảo dưỡng.
Đại diện lực lượng không quân của Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết các tiêm kích F-35B tại căn cứ ở Beaufort, South Carolina vẫn đủ điều kiện bay. "Chúng tôi đang kiểm tra toàn bộ máy bay của mình sau thông báo của JPO", phát ngôn viên Phi đội Không quân Thủy quân Lục chiến 2 Sam Stephenson cho biết.
Một số tiêm kích F-35B hiện có mặt trên tàu đổ bộ USS Essex (LHD-2) trong biên chế Đơn vị Viễn chinh Thủy quân Lục chiến 13, hiện chưa rõ số tiêm kích này có bị tạm ngừng hoạt động hay không.
Nguyễn Tiến