Phi công Mỹ thử nghiệm mũ bảo hiểm của siêu tiêm kích F-35C. Video: Aiir Source.
Hải quân Mỹ và tập đoàn Lockheed Martin đang nỗ lực khắc phục lỗi kỹ thuật trên mũ bảo hiểm của phi công lái tiêm kích tàng hình F-35C. Lỗi này được phát hiện từ năm 2012 nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để, khiến những phi công non kinh nghiệm có thể gặp nguy hiểm tính mạng nếu hạ cánh xuống tàu sân bay vào ban đêm, theo Military.
Các phi công F-35C cho biết hệ thống đèn LED tích hợp trong hệ thống hiển thị gắn trên mũ bảo hiểm (HMDS) thế hệ ba tạo ra quầng ánh sáng xanh lục khiến họ không thể quan sát được dàn đèn dẫn đường trên boong tàu sân bay vào ban đêm.
"Boong tàu sân bay là môi trường tối nhất bạn có thể gặp trong những đêm không trăng", trung tá hải quân Tommy "Bo" Locke, chỉ huy Phi đoàn tiêm kích số 125 của hải quân Mỹ, cho biết. Đơn vị của Locke đang tham gia quá trình Thử nghiệm vận hành số 1, cột mốc quan trọng đánh dấu lần đầu mẫu F-35C tham gia hoạt động bay thông thường cùng các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet trên hàng không mẫu hạm.
Lầu Năm Góc từng tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách nâng cấp phần mềm, cho phép phi công giảm độ sáng của đèn LED, nhưng nó vẫn không phải giải quyết triệt để vấn đề.
![Mũ bảo hiểm trị giá 400.000 USD cho phi công F-35. Ảnh: USAF.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/31/Gen-III-7261-1535707197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=66JRK0IJGHhHJrk9uV3vmg)
Mũ bảo hiểm trị giá 400.000 USD cho phi công F-35. Ảnh: USAF.
Vì lỗi này chưa được khắc phục hoàn toàn, hiện chỉ có những phi công F-35C dày dạn kinh nghiệm nhất mới được hạ cánh xuống tàu sân bay vào ban đêm. Lầu Năm Góc cho biết đó cho đến khi lỗi này được khắc phục, chỉ những phi công đã có ít nhất 50 lần hạ cánh thành công xuống tàu sân bay mới được thực hiện nhiệm vụ này vào ban đêm với tiêm kích F-35C.
"Trong môi trường đêm tối như vậy, bạn không thể hạ độ sáng đèn LED tới mức đủ để quan sát xung quanh mà vẫn nhìn được dữ liệu hiển thị trên mũ. Nếu muốn nhìn rõ thông tin trong mũ, đèn LED phải đạt độ sáng lấn át mọi thứ bên ngoài", trung tá Locke cho biết.
Mũ bảo hiểm của phi công F-35 được ví như "thiên nhãn" vì nó được kết nối với các hệ thống cảm biến trên máy bay, giúp phi công có thể quan sát mọi thứ xung quanh tiêm kích khi hoạt động.
Hệ thống HMDS cung cấp khả năng nắm bắt tình huống chưa từng có cho phi công F-35, khi các thông số quan trọng như tốc độ và độ cao của máy bay, thông tin mục tiêu và cảnh báo nguy hiểm đều được hiển thị trên kính mũ.
Cơ chế hiển thị trên kính mũ bảo hiểm phi công F-35C.
Để phát huy hiệu quả của loại mũ đắt tiền này mà không gây ra sự cố nguy hiểm, hải quân Mỹ đang tính tới phương án thay đèn LED truyền thống bằng công nghệ đèn LED hữu cơ (OLED), dự kiến được triển khai từ đầu năm 2019. "Nó giảm ánh sáng xanh chói mắt, mang lại hình ảnh sắc nét hơn nhiều và giúp chúng tôi tránh bị mất phương hướng trong đêm", Locke tiết lộ.
Dù nhiều phi đội F-35 đã được Mỹ đưa vào biên chế, dự án siêu tiêm kích này vẫn chưa hoàn tất quá trình phát triển, khi nhiều máy bay xuất xưởng gặp các vấn đề kỹ thuật. Lầu Năm Góc hồi đầu năm cho biết 49% trong số 280 chiếc F-35 bàn giao cho quân đội Mỹ gặp lỗi phần cứng và phần mềm, khiến Washington chỉ có 142 tiêm kích thế hệ mới đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Báo cáo từ Văn phòng Giám sát Chính phủ Mỹ (GAO) cho thấy dòng F-35 vẫn còn 111 lỗi Cấp 1, được định nghĩa là những vấn đề có thể làm phi công thiệt mạng hoặc bị thương nặng, gây hư hại nghiêm trọng hoặc mất hoàn toàn máy bay, ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị vận hành dòng tiêm kích tàng hình này.