"Chúng tôi đang nâng cấp từ mối quan hệ cơ bản lên cụ thể với Mỹ. Hai nước đã hoàn tất một thỏa thuận hợp tác quốc phòng", Thủ tướng Papua New Guinea James Marape phát biểu ngày 22/5 trong cuộc họp báo tại thủ đô Port Moresby.
Thỏa thuận được Win Bakri Daki, Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea, ký với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày. "Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để định hình tương lai. Chúng tôi rất mong muốn đưa quan hệ đối tác của hai nước lên một tầm cao mới", Ngoại trưởng Blinken nói.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Papua New Guinea được phép cử nhân sự lên tàu của nhau, chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và "phối hợp tuần tra chung tốt hơn trên biển". Ngoài ra, lực lượng Mỹ được phép tiếp cận một số sân bay và cảng biển của Papua New Guinea.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thỏa thuận mới sẽ cung cấp cho Papua New Guinea 45 triệu USD để cải thiện hợp tác an ninh, trong đó có thiết bị bảo hộ cho lực lượng phòng vệ Papua New Guinea, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết tội phạm xuyên biên giới và HIV/AIDS.
Một bản sao của thỏa thuận rò rỉ hồi tuần trước cho biết binh sĩ và nhà thầu quân sự Mỹ được miễn trừ pháp lý tại Papua New Guinea, cho phép máy bay, phương tiện và tàu thuyền của Mỹ hoặc đại diện cho nước này di chuyển tự do trong lãnh thổ và lãnh hải Papua New Guinea.
Tuy nhiên, Thủ tướng Marape ngày 22/5 phủ nhận việc binh sĩ Mỹ sẽ được miễn trừ pháp lý, đồng thời khẳng định Papua New Guinea sẽ không sửa đổi bất cứ điều khoản nào trong hiến pháp hoặc luật pháp nước này trong hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Theo Thủ tướng Marape, Papua New Guinea đang đối mặt những thách thức an ninh đáng kể, do đó "cần củng cố và bảo vệ biên giới của đất nước, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân".
Ông Marape khẳng định thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ không liên quan đến địa chính trị mà "giúp củng cố nền quốc phòng của Papua New Guinea và xây dựng năng lực của chúng ta".
Papua New Guinea có diện tích hơn 460.000 km2, dân số gần 9 triệu người và là quốc đảo Thái Bình Dương đông dân nhất. Với vị trí nằm ở phía bắc Austraia, Papua New Guinea được đánh giá có vị trí mang tính chiến lược. Quốc đảo này từng là nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt trong Thế chiến II.
Mỹ và Papua New Guinea ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng sau khi quốc đảo gần đó là Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc năm ngoái, động thái khiến Mỹ và Australia lo ngại. Mỹ sau đó tăng cường tập trung vào khu vực, mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và Tonga, cũng như khuyến khích đầu tư kinh doanh nhiều hơn tại đây.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Guardian)