Phụ tá này nhấn mạnh Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, sẽ chỉ "đánh giá lại các mức thuế" với hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu đắc cử và không cam kết loại bỏ chúng.
Theo bình luận viên Finbarr Bermingham của SCMP, việc chiến dịch tranh cử của Biden vội vã bác bỏ quan điểm cho rằng ông có thể sẽ "yếu đuối" với Trung Quốc, hoặc nhượng bộ nước này về thương mại, cho thấy những thách thức mà ứng viên đảng Dân chủ phải đối mặt khi chạy đua với một Tổng thống đương nhiệm có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
"Thương mại là mặt trận mà các ứng viên thường nhắm vào khi thách thức tổng thống đương nhiệm. Đó là một chiến thuật rất phổ biến khi tranh cử. Trong chiến dịch năm 2008, Barack Obama cũng chỉ trích cách thức Mỹ đạt các thỏa thuận thương mại", Elizabeth Baltzan, quan chức thương mại dưới thời Obama và cựu tổng thống George W. Bush, cho biết.
"Tuy nhiên, tình hình hiện nay rất khác, bởi Tổng thống đương nhiệm lại là người không ngừng đề cập về thương mại", Baltzan nói thêm. Các kết quả thăm dò dư luận càng thể hiện rõ mức độ gian nan của "cửa ải" mà Biden phải vượt qua, khi xét đến cách người Mỹ nhìn nhận về Trung Quốc và vấn đề thương mại.
Khảo sát từ tháng 7 của Pew cho thấy 73% người Mỹ, mức cao kỷ lục, hiện không thích Trung Quốc, dù 51% vẫn muốn tạo quan hệ kinh tế bền vững với nước này. Trong khi đó, khảo sát từ tháng 2 của Gallup, được thực hiện trước khi Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ, cho thấy 79% nhìn nhận tích cực về tình hình thương mại.
Bình luận viên Bermingham chỉ ra thách thức lớn với Biden, nếu chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, là kết hợp những quan điểm khác nhau này thành chính sách nhất quán. Ông phải đoàn kết một quốc gia phân cực, cũng như nội bộ đảng Dân chủ, trong đó nhiều người đã "nếm đủ" sự chao đảo thương mại và thấu hiểu tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc.
"Các nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được rằng mọi thỏa thuận thương mại đều tốt và luôn cần nhiều thỏa thuận hơn", Jake Sullivan, cố vấn chiến dịch của Biden, viết trong bài báo gần đây cho Foreign Policy. Bài viết của Sullivan được cho là thể hiện hướng điều hành chính quyền của Biden trong vấn đề Trung Quốc và thương mại nếu đắc cử.
Những tháng qua, Kurt Campbell và Ely Ratner, hai cố vấn khác của Biden từng làm quan chức cấp cao dưới thời Obama, thừa nhận mối đe dọa từ Trung Quốc trước đây bị đánh giá thấp, nhưng vẫn cho rằng Mỹ cần theo đuổi thương mại tự do một cách bớt gay gắt hơn.
Theo họ, Washington cần đối đầu với Bắc Kinh về một số mặt, đồng thời hợp tác trên lĩnh vực khác, chấm dứt cách tiếp cận "một mất một còn" về thương mại như chính quyền Tổng thống Donald Trump.
"Tôi cho rằng Biden sẽ giữ lại một số điểm trong chính sách thương mại của Trump, nhưng ông ấy chắc chắn sẽ không thể hiện giọng điệu gay gắt và gây hấn. Đó là sự cải tiến", Frank Lavin, cựu thứ trưởng thương mại Mỹ, nhận định.
Việc Biden cam kết "tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời giúp thêm nhiều nơi trên thế giới giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia như Trung Quốc", dường như không khác nhiều so với tuyên bố từ chiến dịch của Trump: "Đòi lại một triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc". Do đó, nhiều nhà phân tích đánh giá sự khác biệt của Biden sẽ chỉ nằm ở chi tiết, chứ không đổi mới chiến lược tổng thể với Trung Quốc.
"Tôi nghĩ những khác biệt thực sự nằm ở chiến thuật. Chiến dịch của Biden chủ yếu chỉ trích chính sách thương mại của Trump ở chỗ gây xung đột với cả đồng minh, thay vì tập trung đối phó Trung Quốc. Họ cũng chỉ ra rằng không cần phải xa lánh những quốc gia mà Mỹ buộc phải gần gũi", Edward Alden, chuyên gia chính sách thương mại tại nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, nhận định.
Với quan điểm này, Biden được cho là sẽ bỏ mức thuế gây tranh cãi với nhôm và thép Hàn Quốc, Brazil, Canada và Liên minh châu Âu (EU), những đồng minh của Mỹ. Theo giới chuyên gia, việc Biden có gỡ các đòn thuế với Trung Quốc nếu đắc cử hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của Bắc Kinh với chính quyền mới.
Tuy nhiên, nếu giữ nguyên các đòn thuế mà Trump áp đặt lên Trung Quốc, Biden sẽ đi ngược với quan điểm về thương mại của chính ông trước đây. Trong vai trò thượng nghị sĩ, ông từng bỏ phiếu tán thành bình thường hóa quan hệ thương mại với Bắc Kinh, bao gồm cả việc ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Khi vận động để giành đề cử tổng thống của đảng Dân chủ, Biden lại nói rằng "cuộc chiến thuế quan của Trump với Trung Quốc đã trút gánh nặng lên nông dân Mỹ. "Trump nghĩ rằng các mức thuế sẽ do Trung Quốc chi trả. Nhưng bất kỳ tân sinh viên kinh tế nào tại bang Iowa cũng đều biết người Mỹ đang trả tiền cho những đòn thuế đó", ông nói.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris, "phó tướng" đồng hành tranh cử cùng Biden, cũng lên án mạnh mẽ cách tiếp cận của Trump. "Chiến tranh thương mại đang đè nặng lên nông dân Mỹ, xóa sổ việc làm của người dân và đánh vào người tiêu dùng. Tôi sẽ hợp tác với các đồng minh ở châu Âu và châu Á để đối phó với những hành vi thương mại đáng lo ngại của Trung Quốc, thay vì tiếp nối cuộc chiến thuế quan thất bại của Trump", bà cho hay.
Baltzan đánh giá nếu đắc cử, Biden sẽ xem xét để phân loại mức thuế nào thực sự thúc đẩy mục tiêu khôi phục ngành sản xuất Mỹ, cái nào không. Tuy nhiên, Biden dường như không còn nhiều khoảng trống để thay đổi, bởi những chính sách kinh tế nhắm vào Trung Quốc khác của Trump, như xóa bỏ trạng thái thương mại đặc biệt của Hong Kong, đều được lưỡng đảng và các cử tri ủng hộ.
Theo bình luận viên Bermingham, Biden gần như chắc chắn dễ đoán hơn Trump và được cho là sẽ tái xây dựng liên minh với Australia, Ấn Độ, Canada, những nước đang căng thẳng với Trung Quốc, thêm vào đó là EU, khi thỏa thuận đầu tư giữa họ với Bắc Kinh đang rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên, giới phân tích đang tranh luận liệu việc Mỹ trở lại chủ nghĩa đa phương và theo đuổi các liên minh dưới thời Biden có khiến Trung Quốc lo ngại hay không.
"Bắc Kinh vẫn thích Trump hơn Biden, bởi Biden thiếu cá tính riêng trong chính sách với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là ông ấy sẽ đại diện cho sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ", Wu Qiang, nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh, nêu ý kiến.
Nhiều người đồng tình với quan điểm này trước khi quan hệ Mỹ - Trung lao dốc vì Covid-19, bởi Bắc Kinh được cho là nghiêng về đối phó với một Tổng thống thích trao đổi có qua có lại hơn là một người thúc đẩy cải cách sâu sắc. Tuy nhiên, với việc Trump ngày càng cứng rắn với Trung Quốc khiến quan hệ hai bên rạn nứt, quan điểm trên dần lung lay.
"Các đồng nghiệp Trung Quốc của tôi đánh giá việc Trump phá hủy liên minh với phương Tây có lợi cho Bắc Kinh về lâu dài", Suisheng Zhao, giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung Quốc – Mỹ tại Đại học Denver của Mỹ, cho hay.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ quan điểm này hoàn toàn sai, kể cả từ góc nhìn của Trung Quốc, bởi ông ấy đang gây tổn hại cho cả thế giới và Bắc Kinh cũng chịu ảnh hưởng về lâu dài", Zhao nhận định.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)