George Floyd, sống ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tử vong tại bệnh viện hôm 25/5, sau khi bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy hơn 9 phút trong vụ bắt người liên quan cáo buộc sử dụng tiền giả. Khi cận kề cái chết, Floyd kêu lên thảm thiết rằng anh "không thể thở", giống lời cuối cùng của Eric Garner, người đã chết năm 2014 dưới tay cảnh sát New York và trở thành nguồn cơn phong trào "Coi trọng mạng sống của người da màu" (Black Lives Matter).
Ngày hôm sau, video được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội, làm nổ ra các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis.
Ngày 26/5, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Minneapolis, Medaria Arradondo, sa thải Chauvin và ba cảnh sát khác liên quan đến vụ bắt Floyd. Ông cũng kêu gọi FBI mở cuộc điều tra sau khi video cho thấy lời tường trình của cảnh sát không giống những gì thực sự xảy ra.
Đêm đó, hàng trăm người biểu tình xuống đường ở Minneapolis. Một số phá hoại xe cảnh sát và nhắm mục tiêu vào đồn cảnh sát 4 sĩ quan làm việc.
Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra trong thành phố trong những ngày tiếp theo. Các sĩ quan sử dụng hơi cay và bắn đạn cao su vào đám đông. Một số cơ sở kinh doanh, bao gồm nhà hàng và cửa hàng phụ tùng ôtô, bị đốt phá. Người dân vào các cửa hàng bị phá hoại để hôi của.
Ngày 27/5, biểu tình lan sang các thành phố khác. Tại Memphis, cảnh sát phải phong tỏa một phần đường phố. Tại Los Angeles, hàng trăm người diễu hành quanh trung tâm hành chính của thành phố. Một nhóm người biểu tình chặn đường cao tốc Route 101.
Trump nói rằng cái chết của Floyd "rất bi thảm" và hứa hẹn công lý sẽ được thực thi cho anh. "Tôi rất đau buồn về việc đó. Một chuyện rất đau buồn", ông nói.
Thống đốc bang Minnesota Tim Walz yêu cầu điều động Vệ binh Quốc gia ngày 28/5 khi tình trạng phá hoại và phóng hỏa ngày càng trầm trọng. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ coi một cuộc điều tra liên bang về cái chết của Floyd là ưu tiên hàng đầu.
"Tình hình ở Minneapolis không còn là về cái chết của George Floyd. Đây là cuộc tấn công vào xã hội, gieo rắc nỗi sợ hãi và phá hoại các thành phố tuyệt vời của chúng ta", ông nói.
Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey ngày 28/5 đăng tweet, kêu gọi lập lại trật tự và cho biết sẽ có "nỗ lực toàn diện để khôi phục yên bình và an ninh trong thành phố". Ông kêu gọi người biểu tình trở về nhà. "Chúng ta cần phải thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn căn bản mà trong ai cũng có. Chúng ta phải khôi phục lại yên bình để có thể cùng nhau thực hiện công việc khó khăn này".
Dù gọi cái chết của Floyd là một "thảm kịch", Trump cho rằng bạo lực quá khích là hành động của "những kẻ cướp bóc vô chính phủ". Ngày 29/5, Tổng thống đề xuất quân đội sử dụng lực lượng vũ trang để xử lý bạo loạn. Ông cảnh báo những người cướp bóc các cơ sở kinh doanh sẽ bị bắn, đồng thời chỉ trích thị trưởng Minneapolis thuộc phe Dân chủ là "hoàn toàn thiếu khả năng lãnh đạo".
Trong những đêm sau đó, thêm nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước. Ngày 29/5, hàng trăm người biểu tình đổ ra đường gần công viên Olympic Thế kỷ ở Atlanta, đập phá các cửa sổ. Một số người trèo lên tấm biển CNN lớn bên ngoài trụ sở hãng truyền thông và phun sơn các thông điệp lên đó.
Ở New York, người biểu tình đụng độ với cảnh sát trên khắp Brooklyn và Hạ Manhattan, khiến nhiều cảnh sát và người biểu tình bị thương. Hàng nghìn người tụ tập trong các cuộc diễu hành lớn trước khi phân nhóm thành các cuộc biểu tình bạo lực nhỏ hơn. Một số người ném chai và mảnh vỡ vào cảnh sát. Lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay và bắt một số người biểu tình.
Tại Washington, đám đông tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, la hét, ném chai nước, đồ vật, xô đổ hàng rào an ninh, khiến mật vụ sử dụng hơi cay và phong tỏa tòa nhà trong một khoảng thời gian. Trump được đưa xuống hầm tổng thống để đảm bảo an toàn.
Ở Dallas, người biểu tình và cảnh sát đụng độ gần Tòa thị chính. Cảnh sát phản ứng bằng hơi cay sau khi người biểu tình chặn một xe cảnh sát và đập vào mui xe.
Từ 29/5, Minneapolis áp lệnh giới nghiêm, yêu cầu toàn bộ dân thành phố không ra đường hàng ngày kể từ 20h tới 6h sáng hôm sau, trừ lực lượng hành pháp, Vệ binh Quốc gia, nhân viên cứu hỏa và y tế.
Cảnh sát Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn ngày 29/5. Hồ sơ truy tố nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. "Những tác động kết hợp của việc Floyd bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và bất kỳ chất kích thích tiềm tàng nào trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong", hồ sơ cho hay. Nhiều người chưa thỏa mãn với tội danh của Chauvin, đặc biệt là người thân của Floyd.
Thị trưởng Frey nhấn mạnh hôm 30/5 rằng cuộc biểu tình ôn hòa đòi công lý cho George Floyd ban đầu đã "biến tướng thành cướp bóc và khủng bố trong nước". "Chúng tôi đang đối đầu với những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, thành viên tội phạm có tổ chức, những kẻ xúi giục ngoại bang và thậm chí có thể là các thế lực nước ngoài muốn phá hủy và gây bất ổn cho thành phố và khu vực" ông nói.
Một video trên Twitter ngày 30/5 cho thấy một chiếc xe của sở cảnh sát New York (NYPD) đang đứng yên do bị người biểu tình đem rào chắn chặn lại. Đám đông còn ném nhiều vật thể về phía chiếc xe. Khoảng 10 giây sau, một xe khác của NYPD chạy tới, đâm thẳng về phía những người biểu tình. Chiếc xe đang đứng im cũng lao theo, đâm đổ cả rào chắn, khiến nhiều người biểu tình ngã xuống đất, không rõ có thương vong hay không. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho hay giới chức đang điều tra song ông lưu ý các sĩ quan cảnh sát có thể không còn lựa chọn nào khác.
Ngày 31/5, một chiếc xe bồn bất ngờ lao vào đám đông biểu tình ôn hòa trên một cao tốc gần trung tâm thành phố Minneapolis, khiến họ vội vàng dạt sang hai bên. Cảnh sát nghi ngờ đây là hành động có chủ đích và đã bắt tài xế.
Tính đến 31/5, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai tới thủ đô Washington và 15 bang, trong khi 2.000 lính dự binh đang sẵn sàng cơ động.
Một số người đã chết vì bạo lực liên quan đến biểu tình. Ở Indianapolis, một người chết và ba người bị thương sau khi có người nổ súng vào đám đông biểu tình. Tại St. Louis vào sáng sớm 31/5, một người đàn ông chết sau khi những người biểu tình chặn Xa lộ Liên 44, đốt phá và cố gắng hôi của từ một chiếc xe tải FedEx.
Ở Chicago, 6 người bị bắn và một người bị giết vào tối 30/5. "Đây có phải là cách chúng ta mang lại công bằng xã hội, đòi hỏi thay đổi không?", Thị trưởng Lori Lightfoot nói tại cuộc họp báo ngày 31/5. "Không, chắc chắn là không".
Giới chức đang điều tra vụ một cảnh sát liên bang bị bắn chết bên ngoài tòa án ở Oakland, California tối 29/5. Ken Cuccinelli, quyền thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa, gọi đây là hành vi "khủng bố trong nước", nhưng thống đốc bang cho rằng chưa nên kết nối vụ sát hại với các cuộc biểu tình trước khi có kết quả điều tra.
Tại Detroit, một thanh niên 21 tuổi ngồi trong xe hơi bị bắn chết khi người biểu tình xuống đường hôm 29/5. Một thanh niên 19 tuổi cũng thiệt mạng khi có người nổ súng vào đám đông biểu tình.
Mặc dù các cuộc đụng độ xảy ra khắp nước Mỹ, cũng có những nơi cảnh sát thể hiện sự chia sẻ với những người biểu tình ôn hòa. Ngày 31/5, ở Queens, New York, người biểu tình quỳ gối để phản đối cái chết của Floyd. Điều khiến họ bất ngờ là vài cảnh sát cũng quỳ xuống giống họ. Một mục sư sau đó mời các sĩ quan cùng tham gia cuộc biểu tình ôn hòa, khiến đám động vỗ tay tán thưởng.
"Tôi thực sự không bao giờ nghĩ đến điều này. Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng như thế", Aleeia Abraham, người đứng đầu tổ chức tình nguyện BlaQue Resource Network ở Queens, nói.
Các cuộc biểu tình có nguồn cơn từ vụ bạo lực cụ thể của cảnh sát, nhưng chúng diễn ra trong bối cảnh Covid-19 lan rộng và kết quả một số nghiên cứu cho thấy người da màu, đặc biệt là lao động nghèo, hứng chịu nhiều hệ quả hơn những nhóm người khác, trong khi Trump được cho là đưa ra những phát ngôn "đổ thêm dầu vào lửa".
"Tôi nghĩ tình hình sẽ còn tăng nhiệt hơn rất nhiều trước khi mọi thứ ổn định", Heather Ann Thompson, nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Michigan, người từng giành giải Pulitzer năm 2016, nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)