Đại úy Bye, phi công thuộc phi đội tiêm kích 75, hồi tháng 4/2020 điều khiển cường kích A-10C Thunderbolt II bay huấn luyện tại thao trường Grand Bay thuộc căn cứ không quân Moody ở bang Georgia.
Trong lúc huấn luyện, khẩu pháo trên chiếc A-10 gặp sự cố, thổi bay bảng điều khiển và nắp buồng lái, khiến cô không thể hạ càng đáp. Dù vậy, nữ phi công này đã nỗ lực cứu máy bay bằng cách hạ cánh khẩn cấp cường kích A-10C bằng bụng.
Không đoàn 23 đóng tại căn cứ Moody ở bang Georgia ngày 7/5 thông báo đại úy Bye nhận Giải thưởng Kỹ năng Chỉ huy Không chiến vì "đã tìm cách hạ cánh khéo léo và an toàn cường kích A-10 với thiệt hại ở mức tối thiểu bất chấp thách thức mà phi công này phải đối mặt".
Đại úy Bye cho biết khi nhận ra máy bay gặp sự cố, cô nâng độ cao rồi kiểm tra hai động cơ và thấy chúng hoạt động ổn định. Bye sau đó giảm tốc độ và đề nghị thiếu tá Jack Ingber, một phi công bay cùng biên đội, bay song song để xem xét chiếc cường kích gặp sự cố và xác định vấn đề.
Thiếu tá Ingber nói công việc của anh khi đó là "tính đến mọi khả năng mà Bye không thể lường trước vì cô phải điều khiển một chiếc máy bay to lớn đang gặp sự cố". Sau khi xác định sự cố, Bye phải tìm cách hạ cánh chiếc A-10.
Bye phải hạ thấp ghế để tránh bị luồng gió với vận tốc hơn 560 km/h tạt vào mặt, song điều này khiến việc quan sát đường băng trở nên khó khăn hơn. "Tôi đã nghĩ 'Đường băng đâu? Đường băng đâu'. Khi đó tôi nín thở. Tôi rất hồi hộp nhưng không còn thời gian để lo lắng. Việc của tôi là lo cho bản thân cùng chiếc máy bay", Bye nhớ lại.
Trung tá Stephen Joca, chỉ huy phi đội tiêm kích số 75, cho biết điều quan trọng nhất khi sự cố xảy ra "là ngăn chặn việc mất chiếc A-10 hay tồi tệ hơn là tính mạng phi công" và Bye đã làm được điều đó.
Thiếu tá Brett DeVries, phi công A-10 thuộc phi đội tiêm kích số 107 của Vệ binh Quốc gia bang Michigan, hồi tháng 10/2020 cũng được trao Giải thưởng Chữ thập bay Xuất sắc trong sự cố gần giống đại úy Bye.
Khi đang bay với tốc độ khoảng 600 km/h, pháo GAU-8/A 30 mm gặp sự cố, gây ra vụ nổ thổi bay bảng điều khiển, nắp buồng lái và hệ thống càng đáp trên chiếc A-10 của DeVries. Phi công này sau đó cho chiếc A-10 hạ cánh bằng bụng và không gặp nguy hiểm.
Không quân Mỹ cho biết sự cố hồi năm 2017 là lần đầu tiên phi công hạ cánh một chiếc A-10 mất nắp buồng lái và càng đáp không hoạt động sau 4 thập kỷ biên chế mẫu cường kích này.
Mỹ phát triển cường kích A-10 trong giai đoạn đầu thập niên 1970, trước khi đưa vào biên chế năm 1977. Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, 150 cường kích A-10 Mỹ được cho là đã hủy diệt hơn 3.000 phương tiện cơ giới của quân đội Iraq.
Vũ khí chính của A-10 là pháo 7 nòng GAU-8/A Avenger mm, toàn bộ máy bay được chế tạo quanh khẩu pháo chính này. Pháo GAU-8/A ra đời nhằm phục vụ mục đích chống tăng, có tốc độ bắn tới 3.900 phát/phút và tầm bắn hiệu quả 1.220 m.
Mỗi chiếc A-10 có thể mang 1.174 viên đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo hoặc đạn nổ mảnh, cho phép nó tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau như xe tăng, thiết giáp, phương tiện cơ giới và lực lượng bộ binh đối phương. Ngoài ra, A-10 còn mang được tối đa 7.260 kg bom, rocket và tên lửa các loại để tấn công mục tiêu mặt đất, yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)