Hải quân Mỹ hôm qua thông báo Thang nâng Vũ khí Tiên tiến (AWE) thứ 11 trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã hoạt động đầy đủ chức năng. Lỗi thang nâng AWE là một trong những vấn đề dai dẳng nhất cản trở tàu sân bay này đạt khả năng chiến đấu suốt từ năm 2017 đến nay.
Thang nâng AWE là một trong những tính năng mới trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Chúng sử dụng động cơ điện từ để hoạt động, tương tự cách vận hành của máy phóng điện từ (EMALS) giúp phi cơ cất cánh. Thang AWE có thể nâng được tối đa 9 tấn vũ khí với tốc độ 45 mét/phút, so với mức tối đa 4,7 tấn và tốc độ 30 mét/phút của thang nâng thủy lực trên tàu sân bay đời trước.
Hệ thống AWE có ít bộ phận chuyển động hơn, giúp cắt giảm thời gian và công sức bảo dưỡng. Tuy nhiên, quy trình sản xuất chúng đòi hỏi độ chính xác cao hơn nhiều so với thang nâng truyền thống, trong khi công nghệ mới cũng đi kèm nhiều vấn đề tiềm ẩn.
Hải quân Mỹ hồi năm 2019 từng thừa nhận có tới 70 cửa thang và 17 cửa hầm không đáp ứng yêu cầu, do thiết kế tàu USS Gerald R. Ford liên tục thay đổi. Thiếu hụt thang nâng vũ khí sẽ khiến chiến hạm không bảo đảm tốc độ xuất kích của máy bay, bởi các phi cơ phải chờ đợi vũ khí được chuyển từ khoang chứa lên boong và di chuyển trên quãng đường dài, phức tạp hơn.
Các kỹ sư từng nhiều lần "bó tay" với sự cố liên quan đến hệ thống thang AWE, khiến dự án chế tạo tàu sân bay USS Gerald R. Ford trễ tiến độ nhiều năm và đội vốn nhiều tỷ USD.
Nhiều vấn đề với siêu tàu sân bay Mỹ đã được giải quyết trong năm nay, nhưng hàng loạt trở ngại khác vẫn tồn tại. Chiến hạm đắt tiền nhất của Mỹ không thể vận hành tiêm kích tàng hình F-35C. Hải quân Mỹ cho biết nó được thiết kế và khởi đóng từ cuối năm 2009, thời điểm dự án F-35 mới trong giai đoạn sơ khai, khiến lực lượng này không đề ra yêu cầu vận hành phiên bản F-35C trên tàu sân bay mới.
Theo kế hoạch ban đầu, lần triển khai đầu tiên của USS Gerald R. Ford diễn ra vào năm 2018, song bị lùi lại 4 năm do loạt vấn đề, bao gồm chậm trễ trong chế tạo lò phản ứng hạt nhân. Hệ thống EMALS và Thiết bị Neo giữ Cải tiến (AAG) liên tục gặp sự cố cũng khiến quá trình hoàn thiện chiến hạm liên tục chậm tiến độ.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford còn gặp loạt trục trặc khác liên quan đến radar, dữ liệu hỗ trợ phóng và thu hồi tiêm kích với các cấu hình khác nhau và hệ thống thang nâng vũ khí.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford được bàn giao cho hải quân Mỹ tháng 5/2017, biến nó trở thành chiến hạm đắt nhất trong lịch sử lực lượng này với chi phí 12,6 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, chiến hạm vẫn gặp nhiều trục trặc kỹ thuật và từng chết máy trong chuyến thử nghiệm hồi tháng 1/2018.
Vũ Anh (Theo Drive)