Bà Amy Searight, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á, cho biết Washington hoan nghênh Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, EU dường như có cách tiếp cận khác khi Washington yêu cầu các bên đòi chủ quyền trên Biển Đông đóng băng hoạt động, điều mà Trung Quốc từ chối.
"Sẽ hữu ích nếu EU thể hiện sự ủng hộ các nguyên tắc rõ ràng hơn", Reuters dẫn lời bà Searight nói trong phiên thảo luận về chính sách của Mỹ và EU đối với Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington. "Hướng thêm một chút về cách tiếp cận có thể hỗ trợ như dừng cải tạo đất, quân sự hóa, sẽ tốt hơn".
Michael Fuchs, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, nhận định cần phải giảm nguy cơ xảy ra xung đột ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích, chồng lấn lên vùng biển của nhiều nước trong khu vực.
"Đây là vấn đề... nói ra khi chúng ta thấy có hành động gây quan ngại", ông Fuchs nói.
Theo David O'Sullivan, đại sứ EU tại Washington, EU và Mỹ có nhiều mục tiêu tương đồng nhưng những thông báo như vậy mang tính phán quyết. "Cùng lên tiếng đôi khi hữu ích và đôi khi phản tác dụng", ông cho biết. EU cũng quan ngại về tình hình an ninh Đông Á nhưng có giới hạn trong vấn đề này.
Trung Quốc suốt nhiều tháng qua tăng tốc việc xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông, mở rộng diện tích tại tiền đồn chiếm đóng gần 400 lần. Mỹ cho rằng những dự án cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc "đe dọa đến hòa bình và ổn định". Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hồi tháng 6 kêu gọi Trung Quốc và tất cả các bên cùng đóng băng những hoạt động cải tạo và giải quyết sự khác biệt theo luật pháp.
Như Tâm