"Trung Quốc đang thay đổi, tạo sự đã rồi, về căn bản tạo ra chủ quyền giả tạo bằng cách xây các đảo nhân tạo trên những rặng san hô, đá và bãi cạn. Bằng cách đó, hành động của Trung Quốc đang phá hoại môi trường biển xung quanh", Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, hôm qua nói tại một diễn đàn an ninh ở thành phố Aspend, bang Colorado.
"Ảnh hưởng về môi trường là một khía cạnh trong hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc mà tôi tin rằng chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ, bởi bảo vệ môi trường dễ bị tổn thương của chúng ta là trách nhiệm toàn cầu", ông Harris nói.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, đô đốc cho hay Trung Quốc đã cải tạo gần 3.000 mẫu (1.214 ha) chỉ trong vòng 18 tháng. Thay vì theo đuổi biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp của họ, Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật thông qua "việc xây đảo mang tính cưỡng ép và khiêu khích mà không có nỗ lực ngoại giao ý nghĩa nhằm giải quyết hay phân xử tranh chấp", ông Harris cho hay.
Do đó, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) kêu gọi Trung Quốc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế với thiện chí và tuân thủ những quyết định đó như các nước khác trong khu vực đã làm.
Việc Trung Quốc cải tạo đất đang khiến PACOM ngày càng lo ngại và trong những tháng gần đây cơ quan này tăng cường tuần tra, giám sát khu vực quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đô đốc Scott Swift, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, tuần trước đi trên máy bay trinh sát P-8, thực hiện cuộc giám sát thường kỳ ở Biển Đông, gửi thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng khu vực này được ưu tiên cao độ.
Trọng Giáp (theo Stars and Stripes)