"Chúng tôi không trung lập khi đề cập đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ hành động kiên quyết để đảm bảo các bên tuân theo luật lệ" trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Diplomat dẫn lời ông Russel phát biểu tại cuộc hội thảo lần thứ 5 về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.
Ông thêm rằng Mỹ hiện thúc giục các bên liên quan trong tranh chấp gây dựng bầu không khí và những điều kiện cần thiết để xóa đi bất đồng một cách hòa bình, đúng luật, dựa trên cơ sở ngoại giao, bất chấp tình trạng căng thẳng leo thang gần đây bởi một số hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
"Chúng tôi đang thúc đẩy các bên làm sống dậy tinh thần hợp tác", ông Russel nói.
Theo ông, hạ nhiệt căng thẳng và thiết lập những không gian để theo đuổi phương pháp hòa bình, thông qua đàm phán hay tòa án trọng tài, là điểm mấu chốt để xử lý vấn đề. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng khuyến khích tất cả các nước chấm dứt những hành động đi ngược tinh thần trên, điển hình như việc cải tạo đảo, xây dựng công trình hay quân sự hóa các thực thể này.
Trung Quốc đang ráo riết mở rộng phi pháp đảo nhân tạo trên các bãi đá trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận thế giới.
Nhắc đến phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại song phương, ông Russel thừa nhận, đặt trong bối cảnh hiện nay, rất khó để có thể theo đuổi tiến trình này. Không trực tiếp nhắc tên Trung Quốc nhưng ông nhấn mạnh những tuyên bố "quả quyết" nhằm khẳng định chủ quyền "không thể tranh cãi" sẽ chỉ khiến đối thoại trở nên khó khăn hơn.
Khi đề cập tới biện pháp thứ hai là thông qua cơ chế trọng tài, ông Russel đặc biệt quan tâm đến vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague. Theo ông, dù kết quả có như thế nào thì Bắc Kinh và Manila cũng phải tuân thủ các phán quyết cuối cùng của tòa vì cả hai đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Vũ Hoàng