"Chiến dịch kết thúc ngày 16/2 ở ngoài khơi bang Nam Carolina, sau khi hải quân Mỹ định vị và thu hồi thành công các mảnh vỡ từ khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc", Bộ Chỉ huy miền Bắc của Mỹ (NORTHCOM) cho biết ngày 17/2.
Theo NORTHCOM, những mảnh vỡ cuối cùng đang được chuyển đến phòng thí nghiệm Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ở bang Virginia để điều tra phản gián.
Nhà Trắng xác nhận thông tin. "Lượng đáng kể mảnh vỡ thu hồi được, trong đó có cấu trúc chịu tải, thiết bị điện tử, quang học đều ở phòng thí nghiệm FBI, thị trấn Quantico", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói.
Ông Kirby cho biết Washington đã tìm hiểu được khá nhiều về khí cầu của Bắc Kinh nhờ quan sát nó bay trên lãnh thổ Mỹ. Giờ đây, giới chức Mỹ sẽ khám phá bên trong, "xem cách thức khí cầu hoạt động và nó có khả năng gì".
Căng thẳng song phương gần đây gia tăng, sau khi Mỹ hôm 4/2 bắn hạ một khí cầu Trung Quốc đi vào không phận. Washington cho rằng đây là khí cầu do thám tầm cao trong khi Bắc Kinh nhấn mạnh đó là khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng bay lạc vào lãnh thổ Mỹ.
Trung Quốc chỉ trích Washington đã "hành động thái quá" và nước này có thể "thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng".
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/2, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói khí cầu Trung Quốc "cần bị bắn hạ bởi chúng tôi tin nó được Bắc Kinh sử dụng để do thám người dân Mỹ".
Quân đội Mỹ sau đó ở trong tình trạng cảnh giác cao, điều chỉnh radar để phát hiện các vật thể nhỏ hơn và phát hiện thêm ba vật thể bay không xác định, gồm một chiếc ở Alaska, một ở Canada và một ở hồ Huron, bang Michigan. Cả ba đã bị bắn hạ trong ba ngày 10 - 12/2 vì tạo ra mối đe dọa cho hàng không dân dụng.
Ông Kirby ngày 17/2 nói cần chấp nhận thực tế rằng Mỹ có thể không thu hồi được xác ba vật thể bay và sẽ rất khó xác định chúng là gì nếu không tìm thấy mảnh vỡ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng chúng có thể không liên quan đến chương trình khí cầu Trung Quốc.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)