Ba Lan sẽ tiếp nhận 96 trực thăng tấn công AH-64E Apache từ nhà sản xuất Boeing, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông báo gửi quốc hội ngày 21/8. Quốc hội Mỹ sẽ xem xét thương vụ và nếu không bị phản đối, hợp đồng sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký duyệt.
Thương vụ trị giá 12 tỷ USD này "sẽ cải thiện năng lực đối phó các mối đe dọa hiện tại và tương lai của Ba Lan bằng việc cung cấp lực lượng đáng tin cậy có khả năng ngăn chặn kẻ thù và tham gia các hoạt động của NATO", theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ba Lan năm ngoái quyết định mua trực thăng vũ trang Apache do Mỹ chế tạo để thay thế phi đội đã cũ. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak xác nhận thương vụ, đồng thời cho biết tới khi thủ tục hoàn tất và lô hàng được giao, "lục quân Mỹ sẽ cung cấp cho chúng tôi trực thăng Apache trong biên chế của họ".
Giới chức Ba Lan tháng 1 công bố kế hoạch chi 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong năm 2023, cao gấp đôi mục tiêu 2% của NATO. Ba Lan tháng 6 nhận lô M1 Abrams đầu tiên trong thương vụ trị giá 1,4 tỷ USD nhằm mua lại những xe tăng chủ lực mà thủy quân lục chiến Mỹ đã loại biên.
Ba Lan năm ngoái mua thêm 250 chiếc M1A2 SEPv3, biến thể hiện đại hơn của dòng M1 Abrams. Số xe tăng này dự kiến được giao vào cuối năm 2024. Sau khi nhận lô hàng, Ba Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ vận hành M1A2 SEPv3.
Trực thăng AH-64 Apache được phát triển từ những năm 1970, lục quân Mỹ biên chế mẫu máy bay này năm 1986. Biến thể AH-64E, từng được gọi là AH-64D Block III, có một số cải tiến về năng lực kết nối và phân phối thông tin, radar, cũng như động cơ mạnh hơn các mẫu cũ.
Các biến thể AH-64 tổ lái hai người, có thể bay với vận tốc tối đa 293 km/h, bán kính chiến đấu 480 km. Trực thăng được trang bị một pháo 30 mm với 1.200 viên đạn, có thể mang theo rocket, tên lửa chống tăng và tên lửa không đối không.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)