Giới chức Mỹ hôm 26/1 cho biết Sudani bị giết trong cuộc đấu súng sau khi quân đội Mỹ đổ bộ xuống quần thể hang động miền núi ở miền bắc Somalia để bắt thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khoảng 10 cộng sự của Nhà nước Hồi giáo Sudan tại hiện trường đã thiệt mạng, nhưng không có thương vong về phía Mỹ.
"Ngày 25/1, theo lệnh của Tổng thống, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch tấn công ở miền bắc Somalia, dẫn đến cái chết của một số thành viên IS, bao gồm cả Bilal al-Sudani", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố.
"Al-Sudani chịu trách nhiệm thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng của IS ở châu Phi và tài trợ cho các hoạt động của nhóm trên toàn thế giới, trong đó có Afghanistan", ông Austin nói thêm.
Từ căn cứ trên núi ở miền bắc Somalia, Al-Sudani đã cung cấp và điều phối tài trợ cho các chi nhánh của IS, không chỉ ở châu Phi mà còn cả Nhà nước Hồi giáo Khorasan, nhánh hoạt động của IS ở Afghanistan, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Mười năm trước, trước khi gia nhập IS, Sudani đã tham gia tuyển mộ và huấn luyện tay súng cho phong trào cực đoan al-Shabaab ở Somalia.
"Sudani có vai trò tài chính và hoạt động quan trọng với các kỹ năng chuyên môn, khiến anh ta trở thành mục tiêu quan trọng trong hành động chống khủng bố của Mỹ", quan chức Mỹ nói thêm.
Chiến dịch đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, với các lực lượng Mỹ diễn tập tại địa điểm được xây dựng để tái tạo địa hình nơi Sudani đang ẩn náu. Ông Biden hồi đầu tuần này cho phép tấn công sau khi tham khảo ý kiến các quan chức quốc phòng, tình báo và an ninh hàng đầu.
"Một chiến dịch bắt có chủ đích cuối cùng được xác định là lựa chọn tốt nhất để tối đa hóa giá trị tình báo của chiến dịch và tăng độ chính xác ở những địa hình đầy thách thức", một quan chức khác cho hay.
Tuy nhiên, "phản ứng của các thế lực thù địch đối với chiến dịch đã dẫn đến cái chết của anh ta", quan chức này nhấn mạnh, thêm rằng thương tích duy nhất đối với phía Mỹ trong cuộc đột kích là một quân nhân bị chó nghiệp vụ của quân đội Mỹ cắn.
"Tổng thống Biden đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi cam kết tìm kiếm và loại bỏ các mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ và người dân Mỹ, bất kể chúng đang ẩn náu ở đâu, dù xa xôi đến đâu", quan chức Mỹ nêu thêm.
Các lực lượng Mỹ từ lâu đã hoạt động ở Somalia với sự phối hợp và thay mặt chính phủ, chủ yếu tiến hành các cuộc không kích thường xuyên để hỗ trợ lực lượng chính phủ chống lại phiến quân Shabaab. Một số trong số đó được cho là được tiến hành từ căn cứ của Mỹ ở Djibouti, miền bắc Somalia.
Các cuộc không kích của Mỹ ở Somalia tăng lên hàng chục cuộc mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020, nhưng cũng bao gồm 2-4 chiến dịch trên bộ mỗi năm. Kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống năm 2021, các cuộc không kích giảm còn 16 vào năm 2022 và không có cuộc tấn công mặt đất nào được ghi nhận, theo dữ liệu do New America, một tổ chức tư vấn an ninh quốc gia tổng hợp.
Huyền Lê (Theo AFP, NBC News)