Thỏa thuận trị giá 75 triệu USD, bao gồm tên lửa FGM-148 Javelin cùng thiết bị liên quan, được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận ngày 11/1 "sẽ cải thiện năng lực phòng thủ lâu dài của Kosovo nhằm bảo vệ lãnh thổ và đáp ứng các yêu cầu quân sự của họ".
Quốc hội Mỹ có thể chặn thương vụ, song điều này khó có khả năng xảy ra.
Mỹ chấp thuận bán tên lửa cho Kosovo vài ngày sau khi vùng ly khai thông báo cho phép phương tiện mang biển số Serbia được di chuyển mà không cần che biểu tượng quốc gia. Quyết định này nhằm đáp lại việc Serbia đồng ý cho phương tiện từ vùng ly khai Kosovo di chuyển tự do trong lãnh thổ nước này.
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người gốc Albania.
Khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho cộng đồng này. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc do Nga và Trung Quốc phản đối.
Căng thẳng tại khu vực bùng lên năm ngoái sau khi giới chức Kosovo bổ nhiệm các thị trưởng gốc Albania tại khu vực phía bắc nơi có đông đảo người Serbia sinh sống. Cộng đồng người Serbia tại đây tẩy chay cuộc bầu cử do Kosovo tổ chức, biểu tình bạo lực nổ ra buộc NATO phải cử thêm binh sĩ tới vùng ly khai.
Giới chức Mỹ hồi cuối tháng 9/2023 cho biết quân đội Serbia tập trung lực lượng với quy mô lớn chưa từng có gần Kosovo, coi đây là diễn biến bất ổn và kêu gọi nước này rút quân. Tổng thống Aleksandar Vucic khi đó thừa nhận Serbia điều quân tới sát Kosovo, song các đơn vị tại đây không trong tình trạng báo động.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)