"Quan điểm cá nhân của tôi là thuế quan đã được áp dụng với Trung Quốc theo cách không hợp lý. Thuế là nhắm vào người tiêu dùng và với tôi, trong một số trường hợp, dường như những gì chúng ta đã làm lại gây tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ. Loại thỏa thuận mà chính quyền trước đó đàm phán thực sự không giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản mà chúng ta gặp phải với Trung Quốc", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với tờ New York Times tuần trước.
Phát ngôn của Bộ trưởng Yellen được cho là đã "dội gáo nước lạnh" vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và cũng đánh dấu tuyên bố đầu tiên nêu chi tiết suy nghĩ của chính quyền Biden về tương lai của thỏa thuận.
Washington và Bắc Kinh hồi tháng 1/2020 ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn một dưới thời chính quyền Donald Trump để cùng nhau "sửa chữa sai lầm quá khứ". Theo thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng Mỹ trong hai năm tới, cũng như đảm bảo vấn đề sở hữu trí tuệ cho công nghệ Mỹ. Đổi lại Mỹ sẽ giảm nửa mức thuế 15% đối 120 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc, trong đó có hàng may mặc.
Chính quyền Tổng thống Biden giờ đây sẽ phải quyết định liệu họ sẽ giữ lại thỏa thuận với Trung Quốc, hay hủy bỏ hoặc tìm một thỏa thuận khác thay thế. Bắc Kinh trong khi đó vẫn chủ yếu ca ngợi thỏa thuận thương mại này, bất chấp những mâu thuẫn sâu sắc với Washington trong nhiều vấn đề khác như Hong Kong, Đài Loan hay nguồn gốc Covid-19.
"Giai đoạn đầu của thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc, cho Mỹ và cho toàn thế giới", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói với các phóng viên tại Bắc Kinh tuần trước.
Thỏa thuận Giai đoạn một dường như không làm giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung, một trong những mục tiêu của cựu tổng thống Trump. Lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã đạt kỷ lục trong quý đầu tiên, song lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Mỹ cũng tăng vọt, đặc biệt là khẩu trang và đồ bảo hộ cho tới đồ điện tử, thiết bị gia dụng.
Ngọc Ánh (Theo Bloomberg)