Số ca nhiễm nCoV mới tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt ngưỡng một triệu mỗi tuần. Hệ thống bệnh viện tại một số bang bị quá tải. Số người chết tăng dần và đang trên đà dễ dàng vượt qua mức trung bình 2.200 ca mỗi ngày hồi mùa xuân. Một số nhà dịch tễ học dự đoán số người tử vong tính đến tháng 3 năm sau có nguy cơ gần gấp đôi mức 250.000 ca mà Mỹ vừa vượt qua tuần trước.
"Ba tháng tới sẽ vô cùng kinh hoàng", tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown, nói. Nhận định của ông tương tự cảnh báo từ hàng chục chuyên gia khác về một "mùa đông đen tối" đang chờ đợi nước Mỹ.
Niềm hy vọng giờ đây được đặt vào vaccine, khi hai loại vaccine Covid-19 được phát triển tại Mỹ đã đạt hiệu quả gần 95%. Giới chức liên bang tuyên bố những liều vaccine đầu tiên có thể được tiêm vào cuối tháng 12, trước hết dành cho nhân viên y tế, cư dân tại các viện dưỡng lão và những nhóm nguy cơ cao khác. Đối với người trẻ, thời điểm tiêm phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng vaccine được phê duyệt và tốc độ sản xuất.
Bất chấp tín hiệu lạc quan về vaccine, cuộc khủng hoảng tại Mỹ được cho là vẫn vô cùng nan giải do tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus hiện nay, bao gồm vùng Trung Tây, miền núi và nông thôn, tại các bang Nam và Bắc Dakota, Nebraska và Wyoming, đều ủng hộ Tổng thống Donald Trump nhiệt tình trong cuộc bầu cử.
Nhiều chuyên gia y tế đánh giá Trump đáng lẽ có thể cứu giúp hàng triệu người ủng hộ ông bằng cách kêu gọi họ đeo khẩu trang, tránh đám đông và không tập trung trong kỳ nghỉ lễ. "Tuy nhiên, điều đó không nằm trong suy nghĩ của Trump, bởi nó đồng nghĩa với việc thừa nhận ông ấy sai và Anthony Fauci đã đúng", William Schaffner, chuyên gia y tế dự phòng tại Đại học Vanderbilt, cho hay.
Hơn 6 triệu người Mỹ đã di chuyển bằng máy bay trong tuần nghỉ lễ Tạ ơn. "Tôi khuyến khích toàn thể người Mỹ tụ họp, ở nhà hoặc tại các điểm thờ tự, để cầu nguyện bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta nhiều phước lành", Trump phát thông điệp tới người dân trước thềm lễ Tạ ơn.
Một số người còn lo ngại Trump có nguy cơ tiếp tục cản trở nỗ lực chống Covid-19 sau khi rời nhiệm sở, bằng cách bác bỏ hoặc hạ thấp bất cứ biện pháp nào do Tổng thống đắc cử Joe Biden đề xuất. Theo tiến sĩ David Heyman, cựu quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nỗ lực này của Trump nhằm tiếp tục lôi kéo những người ủng hộ ông cho khả năng tái tranh cử năm 2024, hoặc tạo động lực chính trị cho các con mình.
Khi không có lời kêu gọi từ Tổng thống, người dân Mỹ vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tuân thủ hướng dẫn y tế. Thống đốc nhiều bang cũng đã siết chặt yêu cầu đeo khẩu trang. Tuy nhiên, bình luận viên Donald McNeil của NY Times cho rằng người Mỹ nhìn chung vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
"Nhiều người ủng hộ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, ngay cả trong đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, những cử tri cực hữu vẫn quan niệm rằng khẩu trang là dấu hiệu yếu đuối, hoặc biểu tượng của sự lừa bịp", Martha Louise Lincoln, nhà sử học y tế tại Đại học bang San Francisco, giải thích.
CDC hôm 10/11 ban hành hướng dẫn y tế mới, nói rõ hơn rằng mọi người, dù nhiễm nCoV hay khỏe mạnh, đều nên đeo khẩu trang. Nhiều nghiên cứu và bằng chứng thực tế cho thấy hiệu quả phòng dịch đáng kể của biện pháp này. Nhưng tất cả dường như vẫn không thể thuyết phục một bộ phận người Mỹ.
Biden cho biết ông dự định bắt tay vào đối phó với đại dịch từ ngày đầu tiên nắm quyền. Tuy nhiên, do số ca tử vong thường được báo cáo sau thời điểm ghi nhận các ca nhiễm mới vài tuần, kết quả từ những hành động của ông có khả năng không thể trở nên rõ ràng cho tới đầu mùa xuân.
Phần lớn giới chuyên gia ca ngợi đội ngũ cố vấn được Biden lựa chọn, công nhận họ là những nhà khoa học uy tín có thể tiếp cận nhiều nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, như người da màu hoặc gốc Latinh. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đánh giá đội ngũ này cần đa dạng hơn, với những kỹ năng khác để mang lại sự cân bằng, như bổ sung thêm chuyên gia về tiêm chủng và dịch tễ học.
Một số người góp ý đội ngũ của Biden còn cần thêm nhà khoa học về hành vi, nhằm chống lại các tin đồn, một trong những rào cản nghiêm trọng đối với công tác phòng dịch. "Chúng ta đang đối mặt với những diễn biến cực kỳ phức tạp về tin giả, thuyết âm mưu, sự hoang tưởng và ngờ vực", nhà sử học Lincoln lưu ý.
Bên cạnh đó, việc đội ngũ cố vấn của Biden gồm quá nhiều thành viên từng gắn bó với chính quyền cựu tổng thống Barack Obama cũng gây lo ngại. Để thuyết phục được đám đông vốn ủng hộ Trump, Biden có lẽ cần đến các chuyên gia đáng tin cậy thuộc đảng Cộng hòa.
"Nếu không, sẽ xuất hiện thêm nhiều quan niệm sai lệch rằng phe Dân chủ và các bác sĩ đang cố gắng đóng cửa nền kinh tế, trong khi thực tế là việc kiểm soát virus mới là chìa khóa phục hồi kinh tế", Leana Wen, cựu ủy viên y tế tại Baltimore, bang Maryland, cảnh báo.
Kế hoạch đối phó Covid-19 của Biden được đăng lên trang web của ông, bao gồm xét nghiệm rộng rãi hơn và miễn phí, điều quân đội xây bệnh viện dã chiến nếu cần thiết, phối hợp với doanh nghiệp để sản xuất nhiều vật tư y tế và đồ bảo hộ hơn, tăng cường hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo, cùng một số biện pháp khác.
Hầu hết chuyên gia đánh giá cao kế hoạch này, nhưng một số người cảm thấy nó không đủ kiên quyết, bởi đại dịch đang vượt quá xa tầm kiểm soát và cần tới những biện pháp mạnh tay hơn, như thực thi nghiêm ngặt lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, đóng cửa quán bar và nhà hàng, yêu cầu xét nghiệm thường xuyên tại trường học và nơi làm việc, cấm đi lại từ những vùng dịch nghiêm trọng đến nơi kiểm soát tốt hơn. Một số quốc gia áp dụng các biện pháp như vậy, bất chấp thái độ gay gắt của người dân, và đã cải thiện được tình hình.
Tuy nhiên, sau một cuộc bầu cử vô cùng chia rẽ, giới chuyên gia thừa nhận rất khó để thuyết phục nhiều người Mỹ hợp tác, đặc biệt nếu Trump khuyến khích họ phản kháng.
Ngoài ra, chính phủ liên bang cũng vấp phải các rào cản về pháp lý, bởi các quy tắc phòng dịch của Mỹ phụ thuộc phần lớn vào chính quyền bang và các địa phương. Tổng thống Biden rất khó có thể yêu cầu các bang thực thi lệnh đeo khẩu trang bắt buộc với toàn dân.
Đối với vấn đề tiêm chủng, dù được hưởng thành quả từ Chiến dịch Thần tốc do Trump khởi xướng, Biden và đội ngũ của ông vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là câu hỏi có nên bắt buộc tiêm phòng Covid-19 hay không. Điều này có khả năng gây tranh cãi về mặt chính trị, nhưng nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp Mỹ.
Một số chuyên gia kiên quyết ủng hộ quan điểm rằng sau khi các vaccine Covid-19 được chứng minh hiệu quả và an toàn, việc tiêm chủng nên trở thành yêu cầu bắt buộc với dân Mỹ. Tiến sĩ Paul Offit tại Bệnh viện Nhi Philadelphia cho biết mọi nhân viên ở đây đều phải tiêm các loại vaccine thông thường và tiêm phòng cúm hàng năm, nếu không muốn bị sa thải.
"Đó không phải một sự lựa chọn. Với những người đang chăm sóc trẻ em, tôi nghĩ tiêm chủng là việc bắt buộc. Đây là trách nhiệm với tư cách một công dân", Offit nêu ý kiến. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quan điểm tương tự.
Bình luận viên McNeil nhận định những tuần tới sẽ rất dài và đau khổ với nước Mỹ, nhưng "mùa xuân" rồi sẽ đến, mang theo các vaccine hiệu quả cao và "làn gió mới" trong sự lãnh đạo của chính phủ.
"CDC sẽ phải được tái xây dựng. Các hướng dẫn của cơ quan này cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phải được đánh giá lại ngay lập tức. Đội ngũ của Biden sẽ nhanh chóng hành động. Họ dường như biết phải làm gì", Robert Murphy, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Tây Bắc, bang Illinois, cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)