Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo ngày 3/3 nói chính quyền Biden đang đánh giá xem ai là người chịu trách nhiệm trong vụ tập kích rocket để tung đòn đáp trả. Bà cho biết các chiến dịch không kích "có tính toán và mang tính tương xứng" như đòn tấn công vào khu trại của dân quân thân Iran trên lãnh thổ Syria tuần trước là "mô hình chúng tôi sẽ áp dụng".
Trước đó, ít nhất 10 rocket được phóng vào căn cứ al-Asad ở tỉnh Anbar, Iraq. Ảnh hiện trường cho thấy một chiếc xe tải được dùng làm bệ phóng bị bỏ lại hiện trường sau vụ nã rocket, phần cabin méo mó và biến dạng có thể do sức nóng từ luồng lửa của quả đạn.
"Không ai chết vì rocket, nhưng một nhà thầu quân sự qua đời vì lên cơn đau tim", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về vụ nã rocket vào căn cứ al-Asad trong cuộc họp báo sau đó. "Chúng tôi đang xác định ai là người chịu trách nhiệm và sẽ đưa ra quyết định".
"Nếu xác định rằng cần đáp trả, chúng tôi sẽ quyết định thời gian và phương thức", Psaki nói. "Chúng tôi sẽ không đưa ra một quyết định vội vàng trong lúc còn thiếu thông tin".
Chưa bên nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào căn cứ al-Asad hôm 3/3. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết nếu cần trả đũa vụ phóng rocket, Mỹ "sẽ không né tránh điều này, song chưa tới lúc".
"Tôi chưa thể nói trước những phản ứng trong tương lai. Nếu xác định việc trả đũa là cần thiết, chúng tôi sẽ chọn thời gian và cách thức thực hiện", Kirby nói. Ông cho biết thêm Mỹ chưa thể quy trách nhiệm về vụ nã rocket vào căn cứ al-Asad và lực lượng an ninh Iraq đang đánh giá mức độ thiệt hại của cuộc tập kích.
Trước đó, căn cứ quân sự nơi Mỹ đóng quân tại miền bắc Iraq cũng bị tập kích rocket hôm 16/2, khiến một nhà thầu quân sự nước ngoài thiệt mạng và một số binh sĩ cùng nhà thầu quân sự Mỹ bị thương. Mỹ xác định nhóm dân quân thân Iran là thủ phạm và hôm 25/2 điều tiêm kích F-15E ném bom mục tiêu trên đất Syria, cách biên giới với Iraq khoảng 300 m.
Các quan chức Mỹ lo ngại loạt vụ tấn công "ăn miếng trả miếng" sẽ diễn ra như hồi đầu năm ngoái, trong đó bao gồm vụ thiếu tướng Iran Qassem Soleimani bị hạ sát ở Baghdad, Iraq.
Vụ không kích hạ sát tướng Soleimani gần như đẩy Washington và Tehran tới bờ vực chiến tranh, khi Iran trả đũa bằng trận tập kích tên lửa khiến hàng chục binh sĩ Mỹ tại căn cứ al-Asad ở Iraq bị chấn động não.
Các vụ phóng rocket nhằm vào căn cứ nơi lính Mỹ đồn trú gây thương vong làm phức tạp thêm nỗ lực tái khởi động đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa chính quyền Biden và giới chức Iran.
Nguyễn Tiến (Theo Hill)