Căn cứ không quân dự phòng trên đảo Tinian nằm cách căn cứ Anderson trên đảo Guam khoảng 160 km về phía bắc. Dự án xây dựng căn cứ trên đảo Tinian nằm trong chương trình mở rộng và xây mới các sân bay quân sự tại Thái Bình Dương của Mỹ nhằm đối phó với nguy cơ "xung đột lớn với các quốc gia" trong khu vực.
Dự án xây căn cứ dự phòng trên là một phần của chiến lược phân tán hoạt động tác chiến nhằm đảm bảo tính sống còn và giành lợi thế trước đối phương cho quân đội Mỹ, ít nhất trong giai đoạn đầu của giao tranh tại Thái Bình Dương.
Căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Nếu căn cứ này tê liệt vì bị tập kích hoặc do thảm họa thiên nhiên, toàn bộ hoạt động bay của không quân Mỹ trong khu vực sẽ bị đình trệ.
Guam không đối mặt nguy cơ bị đối thủ tấn công bằng tên lửa cao như các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo đủ sức vươn tới Guam khiến hoạt động của căn cứ không quân trên đảo có thể bị đe dọa. Mỹ hồi đầu năm mở rộng căn cứ trên đảo Wake, cách Guam hơn 2.400 km về phía đông.
Căn cứ trên đảo Tinian dự kiến đủ khả năng tiếp nhận các đội máy bay thay cho Anderson khi căn cứ này bị vô hiệu hóa. Căn cứ sẽ được nâng cấp để hỗ trợ tối đa 12 máy bay tiếp dầu với đầy đủ nhân viên hỗ trợ cần thiết. Quân đội Mỹ dự kiến diễn tập thường xuyên tại sân bay trên đảo Tinian, tối đa 8 tuần mỗi năm.
Tinian thuộc Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ. Quân đội Mỹ giành quyền kiểm soát hòn đảo từ tay Nhật Bản giữa năm 1944. Sân bay lớn phía bắc đảo Tinian là nơi hai oanh tạc cơ B-29 cất cánh trong Chiến dịch Silverplate ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
Phần lớn các đường băng, sân đỗ và cấu trúc hỗ trợ của sân bay phía bắc bị hư hỏng sau Thế chiến II, song vận tải cơ C-130 của Mỹ vẫn đáp xuống đây để diễn tập hạ cánh ở địa hình khắc nghiệt. Sân bay còn lại nằm ở giữa đảo Tinian cho phép tiêm kích hạ cánh. Tuy nhiên do diện tích đảo nhỏ, các kỹ thuật viên thỉnh thoảng triển khai cáp hãm đà để đảm bảo an toàn cho máy bay đáp xuống.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)