"Triều Tiên phải bao nhiêu lần nữa vi phạm nghĩa vụ được quy định trong nghị quyết Hội đồng Bảo an thì Trung Quốc và Nga mới dừng che chở cho họ?", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 20/3. Cuộc họp diễn ra sau khi Triều Tiên ngày 16/3 phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 ra vùng biển phía đông.
Bà Thomas-Greenfield chỉ trích Trung Quốc và Nga từ chối "tham gia chính sách ngoại giao thiện chí", cáo buộc "chủ nghĩa cản trở của họ tại Hội đồng Bảo an đã khuyến khích Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mà không bị trừng phạt".
Trong khi đó, đại diện Nga và Trung Quốc phản bác, cho rằng chính cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã "khiêu khích" Triều Tiên.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva mô tả hoạt động quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc là "chưa từng có". Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng hoài nghi về "tính chất phòng vệ" của các cuộc tập trận Mỹ - Hàn và cáo buộc Washington, Seoul đẩy căng thẳng khu vực lên cao.
"Đó là những cuộc tập trận đã có từ lâu, diễn ra thường lệ, hoàn toàn mang bản chất phòng vệ. Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên", bà Thomas-Greenfield đáp lại.
9 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc, sau đó ra tuyên bố chung lên án các vụ phóng tên lửa với "số lượng chưa từng có" của Triều Tiên, cảnh báo rằng khủng hoảng gia tăng đe dọa khu vực và hòa bình, ổn định của thế giới.
"Triều Tiên đang thử thách quyết tâm và mục đích của Hội đồng Bảo an và hội đồng phải hành động", theo tuyên bố chung.
Một quan chức cấp cao LHQ cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres "quan ngại sâu sắc về tình trạng chia rẽ đã khiến cộng đồng quốc tế không thể hành động về vấn đề này".
Mỹ thường xuyên cáo buộc Nga và Trung Quốc sử dụng vị thế là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an để phủ quyết các dự thảo nghị quyết tăng trừng phạt với Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa.
Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết. Quyền này giúp họ có thể chặn các nghị quyết được thông qua, bất kể nó nhận được bao nhiêu phiếu ủng hộ tại Hội đồng.
Tháng 5/2022, Nga và Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết Hội đồng Bảo an về áp thêm lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Cơ quan này từ đó chưa thông qua bất cứ nghị quyết nào về Triều Tiên, bất chấp Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa. Lần gần nhất Hội đồng Bảo an nhất trí hành động với Triều Tiên là năm 2017, áp ba vòng trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng vì thử tên lửa và hạt nhân.
Triều Tiên bị cấm thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Cơ quan này đã áp lệnh trừng phạt để đáp trả những lần thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng trước đó.
Nga và Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt của LHQ nên được nới lỏng vì mục đích nhân đạo và khuyến khích Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán quốc tế, hướng đến thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phi hạt nhân hóa. Washington cho rằng dỡ lệnh trừng phạt trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa sẽ là "phần thưởng" cho Bình Nhưỡng dù họ không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)