Nhiều bang đang phải nghĩ ra những cách mới và sáng tạo để tiêm chủng cho những người khó tiếp cận hay chần chừ tiêm vaccine, mặc dù hiện vẫn còn 43% người Mỹ chưa tiêm chủng. Khoảng 112,6 triệu người, tương đương 34% dân số Mỹ, đã tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 8/5.
Trong số 329 triệu liều vaccine được chính phủ liên bang chuyển tới các bang, khoảng 257 triệu liều đã được tiêm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Một số bang đang thừa vaccine, khiến các quan chức phải chật vật tìm cách triển khai số liều dư, đồng thời yêu cầu chính phủ liên bang ngừng gửi thêm vaccine.
Chính phủ liên bang phân phối vaccine cho các khu vực dựa trên dân số. Trong khi một số bang bao gồm Colorado và Maryland vẫn yêu cầu chính phủ gửi toàn bộ phần vaccine họ được chia, những bang khác đang giảm lượng vaccine tiếp nhận. Bắc Carolina đã giảm 40% vào tuần trước. Connecticut chỉ yêu cầu nhận 26% số lượng được chia, còn Nam Carolina chỉ 21%. Cuối tháng trước, Arkansas yêu cầu ngừng hoàn toàn bàn giao vaccine trong ít nhất một tuần.
Tình hình dịch tại nhiều nơi ở Mỹ đã cải thiện. Số ca nhập viện ở Michigan đã giảm sau giai đoạn tăng đột biến từ giữa tháng ba đến giữa tháng 4. Thống đốc Illinois J.B. Pritzker tuần trước cho biết bang sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng tới. Khi công bố kế hoạch mở cửa trở lại, Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố "đây sẽ là mùa hè của thành phố New York".
Tuy nhiên, một số quan chức y tế công cộng lo ngại rằng nhu cầu tiêm vaccine giảm có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài như số ca tử vong và nhập viện không giảm. Trong một cuộc họp báo tuần trước, Thống đốc Tây Virginia Jim Justice đã kêu gọi cư dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, hãy "thực sự hành động".
"Nếu bạn có thể đứng nhìn người thân qua đời thì được thôi. Nhưng tôi không thể chịu đựng được điều đó", Justice nói. "Đại dịch còn lâu mới kết thúc".
"Tôi không thể chịu được những chiếc khẩu trang này", ông nói và ném nó lên bàn. "Tôi muốn không phải đeo chúng nữa".
Tuần trước, Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số của bang trong 90 ngày tới. Ông nói nếu bang không sử dụng đến vaccine mà chính phủ liên bang đã phân bổ trước đó thì chúng có thể được chuyển đến Massachusetts, vì tỷ lệ người dân chấp nhận tiêm vaccine ở đó cao hơn.
Gần đây, ngày càng ít người tiêm vaccine tại nhiều bang. "Chúng tôi đã đoán trước được xu hướng này", Amesh A. Adalja, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết, nói thêm rằng giai đoạn triển khai vaccine tiếp theo sẽ là "thách thức hơn nhiều".
Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học hàng đầu từ Sáng kiến Thông tin về Xét nghiệm nCoV Johns Hopkins, nói rằng ở nhiều bang, những nhóm người dễ tiếp cận nhất đã được tiêm phòng.
Số còn lại chủ yếu chia thành ba nhóm: những người muốn tiêm chủng nhưng không có khả năng, những người do dự về vaccine hoặc đang trì hoãn tiêm vaccine, những người phản đối tiêm vaccine vì lý do tôn giáo, triết học hoặc tin vào thông tin sai lệch rằng vaccine nguy hiểm, không hiệu quả hoặc là một âm mưu của chính phủ.
"Dù tôi cho là nhu cầu đang giảm, tôi nghĩ rằng vẫn có những người rất muốn được tiêm vaccine nhưng không thể", Nuzzo nói. "Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã mang được vaccine đến với tất cả những người muốn tiêm".
Trong các nhóm đó có những người lớn tuổi không thể rời khỏi nhà, không thể đến điểm tiêm vaccine, những người không thể đặt lịch khám vì các vấn đề công nghệ, một số phụ huynh bận đi làm hoặc những người sống trong cộng đồng cách xa điểm tiêm vaccine.
Nhiều chính quyền địa phương và các bang cố khắc phục vấn đề bằng cách xây dựng các phòng khám di động và loại bỏ yêu cầu đặt lịch hẹn trước tại các điểm tiêm chủng đại trà. Chính quyền Biden đang thúc đẩy các chính sách tương tự, bao gồm chỉ đạo các hiệu thuốc chấp nhận tiêm vaccine cho người không hẹn trước và chuyển vaccine đến các phòng khám y tế vùng nông thôn.
Nuzzo cho biết nỗ lực tiếp cận các nhóm này có thể giống như chiến dịch "thúc đẩy cử tri đi bỏ phiếu". Bà cho rằng các hiệu thuốc, bác sĩ và các tổ chức cộng đồng nên cố tiếp cận mọi người bằng cách đến tận nhà hoặc liên hệ với họ bằng một số cách khác.
Kiểu thứ hai là những người có thể nghi ngờ vaccine hoặc đang chờ xem tình hình thế nào trước khi tiêm vaccine. Những người này đặt ra một thách thức khác cho giới chức. Khi tỷ lệ ca nhiễm nCoV mới giảm, họ có thể càng không mặn mà tiêm vaccine vì thấy mối đe dọa từ virus giảm đi. Nhu cầu vaccine ở Mỹ đã sụt giảm khi ca nhiễm tại nước này giảm đáng kể từ mức khoảng 70.000 ca một ngày vào giữa tháng 4 xuống còn 42.000 ca vào ngày 9/5.
Tuy nhiên, Nuzzo cho rằng những người này cũng có thể sẽ dần dần bớt hoài nghi về vaccine. Khi ngày càng có nhiều người tiêm chủng, họ sẽ nhận ra rằng vaccine gần như không có các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nhóm thứ ba là những người hoàn toàn phản đối vaccine, đặc biệt là những người tin vào các thông tin sai lệch và thuyết âm mưu. "Việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng phải được giải quyết", Nuzzo nói. "Chưa bao giờ trong sự nghiệp tôi thấy tin giả tràn lan như vậy".
Các quan chức cho rằng, quảng bá về sự tự do mà những người đã tiêm chủng được hưởng có thể là cách hiệu quả để khuyến khích nhiều người tiêm vaccine hơn. Những người do dự tiêm vaccine có thể nhìn cách người thân hay bạn bè tận hưởng cuộc sống giống như trước đại dịch như đi xem biểu diễn ca nhạc và gặp những người thân lớn tuổi để lấy đó làm động lực.
Mỹ đang tiêm khoảng 1,98 triệu liều vaccine mỗi ngày, giảm so với mức 3,38 triệu vào ngày 13/4. Mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm dự kiến cho phép tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên vào tuần tới, chưa rõ nhu cầu vaccine sẽ tăng lên thế nào. Mỹ có chưa đến 20 triệu thiếu niên 12-15 tuổi.
Nuzzo nói rằng nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm, các cộng đồng địa phương có thể ghi nhận những đợt bùng phát đáng kể. Mặc dù cả nước sẽ không lao đao vì dịch bệnh như mùa đông năm trước, một số cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn có thể tiếp tục chứng kiến số ca nhập viện cao.
"Rất nhiều người đã mất mạng", bà nói, "và điều đó giờ có thể được ngăn chặn".
Phương Vũ (Theo NYTimes)