Trong gần 7 thập kỷ, Mỹ và Hàn Quốc luôn là đồng minh thân cận nhất. Binh sĩ hai nước không chỉ kề vai sát cánh trên bán đảo Triều Tiên mà còn trong cả các cuộc chiến ở Afghanistan hay Iraq. Dưới chiếc ô hạt nhân nhân của Mỹ, Hàn Quốc yên tâm phát triển kinh tế, đạt được những thành tựu vượt bậc, theo New York Times.
Nhưng nay, trước một Triều Tiên đầy hung hăng với liên tiếp các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, mối quan hệ đồng minh này đang ngày càng lung lay, đúng vào lúc mà cả Mỹ và Hàn Quốc đều cần nó hơn bao giờ hết.
Khác biệt
Những phát ngôn đối nghịch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những ngày gần đây đã khiến người Hàn Quốc cảm thấy hồ nghi rằng họ khó lòng duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Washington và Seoul lâu hơn nữa, giới quan sát đánh giá.
Hôm 31/8, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump tuyên bố "đối thoại không phải câu trả lời" để xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên, gạt sang một bên lời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, kêu gọi kiên nhẫn thương lượng với Bình Nhưỡng.
Ngày 2/9, Trump đe dọa rút Mỹ khỏi hiệp ước thương mại mới tròn 5 tuổi giữa Mỹ và Hàn Quốc vì cái mà ông gọi là chính sách bảo hộ không công bằng. Ngày 3/9, sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công quả bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước tới nay, Tổng thống Mỹ một lần nữa gọi tên Hàn Quốc.
"Hàn Quốc đang nhận ra rằng các cuộc đối thoại thỏa hiệp với Triều Tiên sẽ không phát huy tác dụng, như tôi đã nói, họ chỉ hiểu một điều duy nhất!", ông Trump tweet.
Truyền hình Triều Tiên thông báo về vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3/9.
Giọng điệu trong những phát ngôn từ Tổng thống Mỹ không khỏi khiến các quan chức ở Seoul choáng váng, đồng thời cho thấy quan điểm khác biệt của ông so với người đồng cấp Hàn Quốc, chuyên gia nhận định.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đáp trả ông chủ Nhà Trắng, khẳng định khủng hoảng chỉ nên được giải quyết bằng phương pháp hòa bình.
"Chúng ta không thể chịu đựng một cuộc chiến tranh thảm khốc nào nữa trên mảnh đất này", văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong một thông báo phát đi tối 3/9. "Chúng ta sẽ không từ bỏ mục tiêu hợp tác với các đồng minh để tìm kiếm con đường hòa bình giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên, ông Moon cũng ủng hộ lời kêu gọi từ ông Trump áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn lên Triều Tiên. Và tại cuộc điện đàm hôm 4/9, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí gỡ bỏ giới hạn về khối lượng đối với đầu đạn tên lửa truyền thống Hàn Quốc, ông Park Soo-hyun, phát ngôn viên của Tổng thống Moon, cho hay.
Việc bỏ giới hạn 500 kg với đầu đạn tên lửa truyền thống Hàn Quốc, một phần trong hiệp ước giữa Washington và Seoul nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang ở khu vực, có thể mang đến cho Hàn Quốc khả năng tấn công Triều Tiên quyết liệt hơn nếu xung đột quân sự bùng phát.
Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc còn thống nhất "gia tăng tối đa áp lực và trừng phạt chống lại Triều Tiên" tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Song Tổng thống Moon cho rằng chỉ áp dụng chiến lược gây áp lực và trừng phạt đơn lẻ không thể ngăn Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân, tên lửa. Trong khi Tổng thống Trump đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên thì Tổng thống Moon lại quả quyết phải tìm ra giải pháp hòa bình cho khủng hoảng bởi cuối cùng, người Hàn Quốc, không phải người Mỹ, mới là bên phải chịu hậu quả chiến tranh.
Ông Moon gọi cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên hôm 3/9 là "đáng thất vọng và gây phẫn nộ".
Theo nhà phân tích Lee Seong-hyon tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, "ông Trump có lẽ nghĩ ông Moon quá ngây thơ khi khăng khăng muốn đối thoại với Triều Tiên, bất chấp việc nước này vẫn thực hiện thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Trump đang hỏi Tổng thống Moon 'các bạn có đứng về phía chúng tôi hay không'".
Ông Trump không phải Tổng thống Mỹ duy nhất hoài nghi về phương pháp tiếp cận của lãnh đạo Hàn Quốc đối với vấn đề Triều Tiên. Kể từ thời điểm Bình Nhưỡng lần đầu tiên bị phát hiện phát triển vũ khí hạt nhân những năm 1990, Washington và Seoul không phải lúc nào cũng có chung quan điểm.
Ông Moon là đồng minh thân cận với cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, người cổ vũ nhiệt tình cho cái gọi là chính sách "Ánh Dương", ủng hộ đối thoại với Triều Tiên. Ông Roh chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2002 nhờ nương vào làn sóng chống Mỹ bắt nguồn từ cái chết của hai nữ sinh Hàn Quốc bị xe quân đội Mỹ đâm phải.
"Washington vẫn hoài nghi Tổng thống Moon là phiên bản 2.0 của Tổng thống Roh Moo-hyun", nhà phân tích Kim Ji-yoon đến từ Viện Asan về Nghiên cứu Chính sách ở Seoul bình luận.
Mặt khác, theo giới chuyên gia, ông Moon và ông Trump cũng không dành nhiều thiện cảm cá nhân cho nhau, xuất phát từ quan điểm chính trị đối nghịch và nguồn gốc xuất thân khác biệt.
Ông Moon là một cựu luật sư về nhân quyền bảo vệ các nhà hoạt động xã hội và những nhà bất đồng chính kiến, trong khi ông Trump là một trùm bất động sản giàu có.
Nếu ông Trump kêu gọi "đặt nước Mỹ lên trước tiên" thì ông Moon lại từng tuyên bố rằng sẽ "nói không với người Mỹ" nếu cần.
Nếu ông Trump coi Triều Tiên là mối đe dọa hạt nhân hàng đầu cần được xử lý thì ông Moon, con trai một gia đình tị nạn Triều Tiên, lại cố gắng tìm cách giải quyết khủng hoảng bằng con đường hòa bình, hướng đến mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.
Quãng thời gian vận động tranh cử, ông Moon từng cảnh báo sẽ xem xét lại việc để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Từ đó đến nay, Tổng thống Moon đã thay đổi bản thân ít nhiều song Washington vẫn cảm nhận thấy rõ ràng ở ông khả năng nói không trước Tổng thống Trump. Hồi tháng trước, trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Moon nhấn mạnh: "Không ai được phép quyết định hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên nếu thiếu sự đồng ý của Hàn Quốc".
Ông Kim Keun-sik, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, đánh giá "Tổng thống Moon Jae-in đã có một khởi đầu không dễ dàng với Triều Tiên và tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng".
Trong khi đó, Triều Tiên chưa bao giờ thể hiện họ muốn đối thoại, đồng nghĩa vị thế của ông Moon trước ông Trump đang ngày càng yếu đi.
"Vụ thử hạt nhân mới nhất là hồi chuông cảnh tỉnh với những người ở Hàn Quốc tin rằng còn khả năng đối thoại với Triều Tiên", ông Lee Byong-chul, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình và Hợp tác, trụ sở ở Seoul, nhận xét. "Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Theo cây bút Choe Sang-hun từ New York Times, thách thức với Hàn Quốc giờ đây là làm sao để sống với thực tế rằng Triều Tiên chắc chắn không từ bỏ tham vọng hạt nhân. Người Hàn Quốc lo sợ một khi Triều Tiên nắm trong tay ICBM gắn đầu đạn hạt nhân, họ sẽ dùng chúng làm quân bài gây chia rẽ Seoul và Washington. Triều Tiên có thể đề nghị đóng băng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc.
Trường hợp xấu nhất, Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc và dùng kho vũ khí hạt nhân ngăn chặn sự can thiệp từ Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Moon cũng phải đối diện cả với những áp lực từ trong nước. Những người bảo thủ cáo buộc ông gây ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng minh với Washington khi "cầu xin Triều Tiên đối thoại".
"Ông Moon Jae-in làm tổng thống được 4 tháng và 50 triệu người Hàn Quốc đã trở thành con tin trước các lò phản ứng hạt nhân Triều Tiên", ông Hong Joon-pyo, lãnh đạo đảng bảo thủ đối lập Dân chủ Hàn Quốc, hôm 4/9 tuyên bố.
Vũ Hoàng