"Tôi rất tự tin nói rằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) sẽ tạo ra việc làm tại Mỹ và các quốc gia tham gia", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên về IPEF, tổ chức ở Los Angeles, bang California, ngày 9/9.
Cuộc họp diễn ra giữa bà Raimondo với bộ trưởng từ 13 nước gồm Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Mỹ và 13 nước này chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.
Các bên đã nhất trí kế hoạch đàm phán 4 "trụ cột" chính cho một thỏa thuận trong tương lai: thương mại bao gồm dòng chảy dữ liệu và quyền của người lao động, chuỗi cung ứng bền bỉ, năng lượng xanh và các tiêu chuẩn môi trường, các biện pháp thuế và chống tham nhũng.
"Chúng tôi đã hoàn tất toàn bộ 4 tuyên bố bộ trưởng, thiết lập phạm vi và lộ trình cho các cuộc thảo luận trong tương lai", bà Raimondo nói thêm.
Cuộc họp về IPEF diễn ra nhiều năm sau khi cựu tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017. 11 quốc gia thành viên còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sau đó thay thế TPP bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc tháng 9/2021 nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Mỹ vẫn giữ quan điểm thận trọng với các thỏa thuận tự do thương mại, được coi là mối đe dọa với việc làm ở nước này. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng chọn không quay lại TPP.
Bà Raimondo cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng thứ hai về IPEF sẽ diễn ra vào đầu năm 2023 nhưng từ chối bình luận liệu các bên có thể đạt thỏa thuận khi Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023 hay không.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 23/5 tham dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến lễ công bố khởi động IPEF tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Tại buổi lễ, các lãnh đạo nhất trí khởi động tiến trình thảo luận về IPEF và sẵn sàng mời các quốc gia trong khu vực có quan tâm cùng tham gia, với kỳ vọng khuôn khổ hợp tác này sẽ giúp các nền kinh tế tăng cường tính chống chịu, nhất là trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)