Trong chuyến thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 15/11 cho biết lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden là hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương nguyên bản "không phải là cơ chế Mỹ sẽ tham gia hiện tại". Nước này hướng đến việc hình thành một khuôn khổ kinh tế khác vượt ra khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và "có thể mạnh mẽ hơn ở một số phương diện".
Dù vậy, bà khẳng định Mỹ vẫn cởi mở với một khuôn khổ hợp tác cùng Nhật Bản và nhiều quốc gia thân thiện khác, bao quát nhiều lĩnh vực, như công nghệ kỹ thuật số và chuỗi cung ứng.
Trước đó, cuối tháng 10, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch về một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội nghị Cấp cao Đông Á. "Chúng tôi trông chờ ký một thỏa thuận với các nền kinh tế trong khu vực. Đó sẽ là một khuôn khổ hợp tác kinh tế vững mạnh", bà Raimondo cho biết.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ tham gia đàm phán và ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, nước này đã rút ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Thay thế TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD.
Hiệp định này được ký ngày 8/3/2018 tại Chile, chính thức có hiệu lực từ 30/12/2018 với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019.
Hà Thu (theo Nikkei)