"Đây là phiên bản hiện đại nhất của xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams và sẽ cung cấp cho Ba Lan năng lực tác chiến xe tăng tiên tiến", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói tại họp báo ở thủ đô Warsaw ngày 18/2, đồng thời cho biết khung thời gian giao hàng đang được thảo luận.
"Thương vụ sẽ tăng cường khả năng tương tác của chúng tôi với các lực lượng vũ trang Ba Lan, nâng cao mức độ tin cậy trong nỗ lực răn đe của chúng tôi cũng như các đồng minh NATO khác", Austin nói. Phía Mỹ chưa công bố chi tiết về biến thể xe tăng chủ lực M1 sẽ bán cho Ba Lan.
Bộ Quốc phòng Ba Lan hồi tháng 10/2021 thông báo sẽ mua 250 xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba M1A2 SEPv3 của Mỹ. Số xe tăng này dự kiến được bàn giao cho sư đoàn cơ giới số 18, được Ba Lan coi là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của nước này.
M1A2 với Gói Tăng cường Hệ thống phiên bản 3 (SEPv3), còn gọi là M1A2C, là biến thể mới nhất của dòng xe tăng chủ lực M1. Biến thể này được khắc phục nhiều vấn đề về không gian bên trong xe, trọng lượng và hỏa lực của xe tăng M1, từng được bộc lộ trong Chiến dịch Tự do Iraq (2003-2011).
M1A2 SEPv3 được trang bị hệ thống tăng cường khả năng sống sót cho kíp lái, hệ thống động cơ mới, cùng pháo chính có độ chính xác cao hơn nhờ sử dụng các loại đạn thông minh có thể lập trình qua hệ thống kết nối dữ liệu. Ngoài lớp giáp được gia cố, khả năng phòng thủ của M1A2 SEPv3 được tăng cường bằng hệ thống gây nhiễu nhằm chống lại các loại mìn cài vệ đường được kích hoạt bằng sóng vô tuyến.
Lục quân Ba Lan đang vận hành khoảng 249 xe tăng chủ lực dòng Leopard 2, 382 xe tăng T-72M1 sản xuất trong nước theo bản quyền được Liên Xô chuyển giao, 232 xe tăng PT-91 phát triển trên cơ sở T-72M1.
Bộ trưởng Quốc phòng Austin tới thăm Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với phương Tây vẫn ở mức cao do khủng hoảng Ukraine. Ba Lan là thành viên ở sườn đông của NATO, giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.
Khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt sau khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Nga từ ngày 15/2 thông báo đã rút nhiều đơn vị khỏi khu vực biên giới với nước láng giềng, động thái được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây vẫn bày tỏ hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nguy cơ Nga tấn công Ukraine vẫn "ở mức cao".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)