Thông tin được Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho biết trong cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ở thủ đô Washington ngày 2/6, theo thông cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Ông Boehler cho hay DFC cũng quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mekong. Cơ quan này đang triển khai một loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và kinh tế số.
Đại sứ Ngọc đề nghị DFC tiếp tục tham gia vào các hoạt động liên quan trong năm nay, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Các hoạt động gồm các hội nghị ASEAN - Mỹ, Việt Nam - Mỹ về hợp tác đầu tư tại khu vực.
Khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan ra khắp thế giới từ đầu năm nay, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các nước áp dụng biện pháp hạn chế để chặn dịch. Doanh nghiệp nhiều nước đã tính đến phương án chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro.
Trong phiên họp Quốc hội giữa tháng 5, đại diện Chính phủ Việt Nam khẳng định bên cạnh những khó khăn do đại dịch, Việt Nam vẫn có những thời cơ mới mở ra khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước đó cho rằng việc Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19 đã "ghi điểm" về môi trường đầu tư.
Từ tháng ba, hãng Apple của Mỹ bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng. Khoảng 4 triệu chiếc AirPods sẽ được được sản xuất tại Việt Nam trong quý II. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, làm dấy lên khả năng hãng này mở nhà máy tại Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Amazon và Home Depot bắt đầu tuyển dụng, tìm kiếm chuỗi cung ứng, coi Việt Nam là một trong những điểm đến bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.