213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 6.473.224 ca nhiễm và 381.706 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 117.800 và 4.899 trường hợp so với hôm qua. Tổng cộng 2.986.139 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận 1.879.608 người nhiễm và 108.026 người chết, tăng lần lượt 21.791 và 1.147 trường hợp.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Chính phủ cho phép tụ tập tới 10 người, miễn là duy trì quy tắc cách biệt cộng đồng. Thủ đô Washington và Los Angeles đã cho phép mở cửa các nhà hàng ngoài trời, trong khi thành phố New York chuẩn bị quá trình tái mở cửa từ ngày 8/6.
Tuy nhiên, giới chức và các cơ quan y tế Mỹ lo ngại tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết, leo thang. Nhiều người trong đám đông không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách cần thiết.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, tăng 25.724 ca nhiễm và 1.197 ca tử vong do nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và chết toàn quốc lên lần lượt 555.129 và 31.243 Nhiều chuyên gia cảnh báo nước này vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
Bất chấp tình hình nghiêm trọng, chính quyền thành phố du lịch nổi tiếng Rio de Janeiro tuyên bố khởi động quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 2/6, bắt đầu với việc tái mở cửa những địa điểm thờ phụng và khu thể thao dưới nước.
Mỹ Latinh là tâm dịch toàn cầu mới, với 4/10 quốc gia ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm nCoV nhất thế giới hôm 2/6 thuộc khu vực này, WHO cho hay. Tổ chức cũng cảnh báo về tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế tại Peru, Chile và Mexico. Tuy nhiên, Mexico vẫn nối gót nhiều quốc gia khởi động lại nền kinh tế sau hơn hai tháng đình trệ, cho phép các ngành công nghiệp ôtô, khai thác mỏ và xây dựng hoạt động trở lại.
Nga báo cáo thêm 182 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 5.037. Số ca nhiễm tăng thêm 8.863, lên 423.741. Nước này bắt đầu nới dần phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.
Sau thời gian phong tỏa khiến nền kinh tế đình trệ, chính phủ Nga quyết định chi 72 tỷ USD để tiến hành hơn 500 giải pháp phục hồi kinh tế trong hơn hai năm. Mục tiêu đặt ra là tăng việc làm, thu nhập cho người lao động và thúc đẩy tăng trưởng.
WHO cho hay số ca nhiễm mới hàng ngày tại Tây Âu đang trên đà giảm ổn định. Tây Ban Nha ngày thứ hai liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong nào, với số người nhiễm và chết hiện nay lần lượt là 287.012 và 27.127. Nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì ít nhất tới ngày 7/6.
Anh báo cáo thêm 1.653 ca nhiễm và 324 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 277.985 và 39.369 trường hợp.
Anh là một trong những quốc gia châu Âu cuối cùng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt từ ngày 23/3. Một số trẻ em đã được trở lại trường học từ hôm 1/6 và nhiều cửa hàng cũng được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng chính phủ đang hành động quá vội vàng, khi tỷ lệ nhiễm và tử vong vẫn cao.
Italy ghi nhận thêm 318 ca nhiễm và 55 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 233.515 và 33.530. Từ hôm nay, Italy cho phép tự do di chuyển khắp đất nước, dù việc này khiến nhiều quan chức lo ngại. Tổng thống Sergio Mattarella cảnh báo "cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt", nói thêm rằng các tổ chức và cá nhân vẫn sẽ phải đối mặt với những hậu quả và tổn hại.
Pháp ghi nhận thêm 107 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 28.940, trong khi số ca nhiễm mới chưa được công bố. Số ca tử vong mới tính cả những người chết trong viện dưỡng lão sau ba ngày thống kê bị gián đoạn, khiến số người chết trong 24 giờ ở Pháp lần đầu tiên vượt 100 sau 13 ngày. Bộ Y tế Pháp cho hay số người đang điều trị trong viện giảm 260, xuống 14.028. Số người được chăm sóc đặc biệt cũng giảm xuống còn 1.253.
Các biện pháp hạn chế vừa được nới lỏng nhiều hơn khi người dân được phép vào trong quán bar và nhà hàng khép kín. Những sự kiện như đám cưới cũng được phép tổ chức. Tuy nhiên, giới chức cảnh báo nhiều công ty đứng bên bờ vực phá sản vì suy thoái kinh tế.
Đức ghi nhận thêm 219 ca nhiễm và 21 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 183.984 và 8.639. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6. Chính quyền vẫn đang thảo luận những chi tiết cuối cùng của gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 3.117 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm nCoV ở nước này lên 157.562, trong đó 7.942 người đã chết, tăng 64 trường hợp so với một ngày trước. Số ca nhiễm mới gần bằng mức cao nhất từng được ghi nhận tại nước này hôm 30/3, với 3.186 trường hợp.
Chính phủ Iran bày tỏ lo ngại về tình trạng người dân phớt lờ các biện pháp cách biệt cộng đồng. "Họ hoàn toàn tin tưởng vào chúng tôi, hoặc nghĩ rằng nCoV đã biến mất. Điều đó hoàn toàn sai lầm", Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki hôm qua cho hay. Hầu hết biện pháp ngăn Covid-19 tại Iran đã được gỡ bỏ.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.869 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 89.011 và 549. Chính phủ Arab Saudi cho biết họ sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ ngày 21/6, trừ thành phố Mecca, sau hơn hai tháng kiểm soát nghiêm ngặt. Các tín đồ được phép tới cầu nguyện tại tất cả nhà thờ ngoài Mecca từ ngày 31/5.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 596 ca nhiễm và ba ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 35.788 và 269. Các biện pháp hạn chế tại nước này cũng đã được nới lỏng, cho phép cửa hàng bán lẻ, phòng gym, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm giải trí khác hoạt động trở lại, nhưng vẫn cần tuân thủ các quy tắc cách biệt cộng đồng.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 207.183 ca nhiễm và 5.829 ca tử vong, tăng lần lượt 8.813 và 221. Dù tỷ lệ tử vong khá thấp, giới chuyên gia cảnh báo đại dịch ở Ấn Độ vẫn chưa đạt đỉnh bởi số ca nhiễm mới vẫn tăng.
Bất chấp mối lo ngại, chính phủ vẫn quyết định nới lỏng phong tỏa. Những cơ sở tôn giáo, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại nằm ngoài các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ được mở cửa từ ngày 8/6.
Các trường học sẽ nối lại hoạt động sau khi chính phủ thảo luận với chính quyền địa phương, quyết định dự kiến được đưa ra vào tháng 7. Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết các đường bay quốc tế, trung chuyển quy mô lớn, rạp chiếu phim, bể bơi, quán bar vẫn phải đóng cửa. Giờ giới nghiêm trên toàn quốc cũng bắt đầu từ 21h, muộn hơn hai tiếng so với trước đó.
Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 35.836 ca nhiễm, tăng 544, trong đó 24 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.
Indonesia xếp thứ hai với 27.549 ca nhiễm và 1.663 người chết, tăng lần lượt 609 và 22. Chính quyền Indonesia đã quyết định hủy tổ chức cuộc hành hương cho người dân đến Mecca và Medina, hai thánh địa thiêng liêng của người Hồi giáo, do lo ngại về Covid-19 và những lệnh hạn chế đi lại hiện nay.
Nước này hiện triển khai khoảng 340.000 binh sĩ nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng, trong bối cảnh chính phủ tái mở cửa các doanh nghiệp do lo sợ nền kinh tế sụp đổ. Tuy nhiên, giới chuyên gia ước tính số liệu tại Indonesia trên thực tế cao hơn nhiều so với thống kê, do tỷ lệ xét nghiệm thấp gần nhất thế giới.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Reuters)