Quân đội Mỹ hôm 28/5 chuyển một số tên lửa và trang thiết bị mới cho Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đang đặt tại Hàn Quốc, thay thế các quả đạn cũ đã triển khai tại đây từ năm 2017. Động thái diễn ra bất ngờ trong đêm nhằm hạn chế sự phản đối từ cư dân địa phương.
Quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết đây là "hoạt động tiếp tế thông thường", số lượng đạn đánh chặn của đơn vị THAAD không tăng lên. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn nghi ngờ lời giải thích này, bởi việc thay thế đạn cho tổ hợp đánh chặn THAAD diễn ra quá sớm.
"THAAD là hệ thống tối tân, các quả đạn có thể nằm trong ống bảo quản kiêm bệ phóng suốt 15 năm", Shin Jong-woo, nhà phân tích cấp cao tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, nhận xét.
Hệ thống THAAD của Mỹ đặt tại một sân golf cũ ở thị trấn miền núi Seongju, phía nam Hàn Quốc, đi vào hoạt động từ tháng 5/2017. Không rõ thời điểm sản xuất các quả đạn trong tổ hợp này, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng được sản xuất không quá 10 năm trước.
Đợt chuyển đạn diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Quân ủy Trung ương để thảo luận các chính sách mới nhằm "tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của đất nước". Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng bước đi phù hợp nhất với chiến lược này là hạ thủy tàu ngầm thế hệ mới hoặc giới thiệu phiên bản tiếp theo của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong.
Tờ Joongang Ilbo của Hàn Quốc hôm 1/6 cho biết các thiết bị được chuyển tới căn cứ Seongju tuần trước có thể giúp khẩu đội THAAD tích hợp vào mạng lưới tác chiến của hệ thống phòng không Patriot, nâng cao năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo và các mối đe dọa trên không.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bác bỏ thông tin, khẳng định đó là khí tài thay thế những trang thiết bị đã xuống cấp và không liên quan tới dự án nâng cấp hệ thống THAAD được Mỹ đề xuất.
Lầu Năm Góc đầu năm nay cho biết đang xin ngân sách một tỷ USD để nâng cấp 7 hệ thống THAAD, trong đó có đơn vị tại Hàn Quốc, trong một năm tới. "Radar AN/TPY-2 của THAAD có tầm hoạt động vượt xa radar Patriot. Nó có thể mở rộng tầm tác chiến, tận dụng tối đa khả năng đánh chặn của hệ thống Patriot", phó đô đốc Jon Hill, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, nói trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington hồi tháng 2.
Hệ thống THAAD tại Seongju hiện nay được thiết kế để vận hành độc lập. Việc tích hợp nó với các đơn vị Patriot sẽ nâng cao đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền Hàn Quốc phủ nhận nghi vấn, cho rằng quá trình nâng cấp THAAD chưa thể diễn ra ngay vì mất nhiều thời gian và công sức. "Chúng tôi đã được phía Mỹ thông báo về kế hoạch nâng cấp. Nó không thể diễn ra sớm vì hàng loạt vấn đề đã xuất hiện trong quá trình thử nghiệm sơ bộ của dự án", quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Sự hiện diện và kế hoạch nâng cấp THAAD tại Hàn Quốc cũng nhiều lần gặp phản ứng dữ đội từ Trung Quốc. "Bắc Kinh và Seoul đã nhất trí về phương án giải quyết theo từng giai đoạn trong vấn đề THAAD. Chúng tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 28/5.
THAAD được Mỹ phát triển từ năm 1987 để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối khi chúng đang lao xuống mục tiêu. Đạn đánh chặn của hệ thống này không chứa thuốc nổ mà sử dụng động năng để diệt tên lửa đối phương, giảm thiểu nguy cơ kích nổ đầu đạn hạt nhân gắn trên đó. Quân đội Mỹ đưa THAAD vào biên chế năm 2008, hiện các tổ hợp được triển khai tại Mỹ và Hàn Quốc.
Trung Quốc luôn phản đối sự hiện diện của THAAD tại Hàn Quốc vì hệ thống radar tối tân của nó mang đến khả năng thu thập thông tin mạnh mẽ, giúp quân đội Mỹ theo dõi được mọi hoạt động của trang thiết bị, khí tài quân sự sâu bên trong đất liền Trung Quốc. Bắc Kinh từng áp dụng nhiều biện pháp trả đũa kinh tế đối với Seoul sau khi hệ thống THAAD được triển khai ở nước này.
Nhiều người dân Hàn Quốc cũng phản đối Mỹ triển khai THAAD, cho rằng hệ thống này gây ra các mối nguy hại về sức khỏe và môi trường, đồng thời khiến nơi họ sinh sống có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Triều Tiên.
Vũ Anh (Theo Yonhap)