"Nhiều tàu của Trung Quốc đang lưu thông trên mặt biển, từ chiến hạm đến tàu bảo vệ bờ biển. Chúng đều được lắp đặt radar giám sát trên không", một trung tá Mỹ mô tả cảnh tượng nhìn từ máy bay trinh sát Mỹ P8-Poisedon, khi đang tuần tra trên một đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông và đẩy mạnh hoạt động cải tạo, bồi đắp tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và các nước khác trong khu vực.
Theo Jon Hemmings, chuyên gia từ Diễn đàn Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Thái Bình Dương, ý đồ của Trung Quốc mang ý nghĩa về địa chính trị. Tiềm năng năng lượng và nguồn cá dồi dào là những yếu tố quan trọng khiến Trung Quốc muốn hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng về cơ bản, hành vi khiêu khích của Trung Quốc là nhằm kiểm soát một trong những tuyến thương mại biển sầm uất nhất nhất thế giới.
Đây là thực chất là bước đầu tiên trong chiến lược ba mũi nhọn của nước này. Đầu tiên, Trung Quốc muốn thống trị Biển Đông với lực lượng quân sự nước mình. Thứ hai, Bắc Kinh muốn sử dụng sự kiểm soát này để thể hiện nguyên trạng khu vực đang thay đổi, và Trung Quốc chính là nguyên nhân, là trung tâm của sự thay đổi này, khiến các nước Đông Nam Á phải chấp nhận và điều chỉnh theo hướng đó. Thứ ba, Bắc Kinh muốn gây áp lực lên Seoul, Manila và Tokyo, các đồng minh của Mỹ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường biển đi qua Biển Đông.
Hemmings cho rằng cách Mỹ có thể đối phó Trung Quốc là đánh vào hai mũi, chính trị và quân sự. Để làm được điều đó, Mỹ cần kết hợp chặt chẽ với bạn bè và đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy đối thoại quốc tế
Mỹ luôn giữ quan điểm rằng vấn đề Biển Đông phải được thảo luận tại những diễn đàn khu vực chính như Diễn đàn Đông Nam Á (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và khăng khăng rằng chỉ đàm phán song phương với từng nước liên quan.
Vì vậy, Mỹ nên thúc đẩy việc tổ chức một cuộc họp đa phương trong khu vực, nhằm dừng quân sự hóa trên biển. Sự kiện như vậy nên được thực hiện ít nhất trong vòng 6 tháng kể từ bây giờ, để Mỹ và đồng minh có thời gian phối hợp, tạo ra một cú hích ngoại giao với các nước còn chưa thể hiện quan điểm rõ ràng. Các nhà ngoại giao Mỹ có thể sử dụng Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh thường niên của khu vực ở Singapore, vào cuối tuần để làm bước đệm thực hiện điều này.
Củng cố phòng thủ cho đồng minh
Để gây áp lực với Trung Quốc, Mỹ có thể hỗ trợ cho Philippines, đồng minh duy nhất liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông để thay đổi chiếc lược quân sự. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản và Australia, Philippines có thể thiết lập khả năng Chống tiếp cận, chống thâm nhập khu vực (A2/AD). Manila có thể xây dựng hệ thống radar, tên lửa phòng không và chống tàu di động vươn đến Biển Đông để chống lại mưu tính của Bắc Kinh là thống trị vùng biển và vùng trời trong và xung quanh khu vực.
Các cơ sở này chỉ mang tính phòng thủ và không khiêu khích, nhưng lại vô hiệu hóa được các căn cứ mới của Trung Quốc, khiến chúng mất tác dụng. Mỹ cũng có thể mời gọi các nước ASEAN khác quan tâm đến công nghệ quốc phòng để hợp tác, tiến hành chiến lược.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục tăng cường lực lượng ở Biển Đông, Mỹ và đồng minh cũng sẽ làm điều tương tự. Nếu họ muốn giải quyết vấn đề này bằng biện pháp ngoại giao thì cả hai bên đều phải đóng băng các hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự.
Thực tế, Mỹ và đồng minh đã có một số bước đi để gây sức ép với Trung Quốc. Mỹ, Nhật hồi cuối tháng 4 hoàn thành bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật, nêu rõ Tokyo sẵn sàng thực thi quyền phòng thủ tập thể, tức cho phép quân đội chiến đấu ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công. Washington còn kêu gọi Tokyo mở rộng tuần tra ra Biển Đông. Hai nước và Australia cũng đang gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.
Hồi tháng 4/2014, Mỹ và Philippines ký kết thỏa thuận thời hạn 10 năm cho phép quân đội Mỹ tiếp cận và sử dụng các khu vực được chỉ định của Philippines, trong số đó có căn cứ không quân Bautista Antonio và hải quân Carlito Cunanan ở Palawan, giúp Mỹ có khả năng tiếp cận nhanh chóng đến khu vực Trung Quốc đang bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuần sau sẽ gặp người đồng cấp Mỹ với mong muốn Washington hỗ trợ nhiều hơn cho Manila trong tranh chấp Biển Đông. Một nguồn tin quân sự cho biết Philippines sẽ đề nghị Mỹ cung cấp thêm máy bay, tàu chiến và các hệ thống radar ven biển cũ.
Tuy nhiên, các chính sách của Mỹ và đồng minh vẫn đi chậm hơn diễn biến hiện nay và chưa có kìm hãm được Trung Quốc, khi nước này vẫn tiếp tục có những động thái làm leo thang căng thẳng như xây hải đăng hay có thể đã chuyển vũ khí đến khu vực tranh chấp. Bắc Kinh đang tiến nhanh hơn so với nhiều người có thể dự đoán. Rõ ràng Trung Quốc cảm thấy cần phải hiện thực hóa ý đồ thật nhanh, trước khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm xuống như nhiều chuyên gia dự đoán.
Vì vậy, nếu Mỹ, đồng minh và các nước liên quan muốn ngăn chặn Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, họ phải nghĩ nhanh hơn và làm nhanh hơn.
Phương Vũ (Theo National Interest)