Mỹ hôm 21/5 điều một máy bay thực hiện nhiệm vụ trinh sát bên trên căn cứ đặt tại đảo nhân tạo mà Bắc Kinh phát triển từ một bãi đá ngầm. "Đây là hải quân Trung Quốc...Đây là hải quân Trung Quốc... Hãy rời đi... để tránh gây hiểu lầm", hải quân Trung Quốc liên tục xua đuổi máy bay Mỹ.
Nhà báo và đội quay phim của CNN lần đầu tiên được phép tác nghiệp trên P-8A Poseidon, máy bay trinh sát và săn ngầm tiên tiến nhất của Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ cho công khai hình ảnh công trình cải tạo của Trung Quốc quay từ P-8A.
Theo CNN, Lầu Năm Góc cho phép đội quay phim làm việc trên chuyến bay nhằm "nâng cao nhận thức về những thách thức Trung Quốc đặt ra ở những đảo nhân tạo này và phản ứng ngày càng cứng rắn của Mỹ". Phi cơ bay ở độ cao thấp nhất là 4.600 m.
Cây bút Gideon Rachman trên FT cho rằng việc Mỹ tạo điều kiện cho truyền thông tác nghiệp nhằm "đảm bảo rằng thế giới có thể thấy rõ" tình hình tại Biển Đông. Những cảnh quay từ máy bay, trong đó có cả cảnh báo bằng lời từ hải quân Trung Quốc, là bằng chứng sinh động và rõ ràng hơn rất nhiều ảnh chụp vệ tinh những công trình cải tạo của Bắc Kinh mà truyền thông thường đăng tải.
"Điều Mỹ làm là một nỗ lực rõ ràng và có tính toán để công khai tất cả chi tiết và mối nguy hiểm tiềm tàng" tại Biển Đông, Mira Rapp Hooper, một chuyên gia về tranh chấp hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại Washington cho biết. Nhưng khi lực lượng quân sự hoạt động ở khoảng cách gần như vậy thì "luôn có nguy cơ vô tình làm leo thang căng thẳng".
Việc cử máy bay trinh sát tuần tra ở Biển Đông có thể mới chỉ là bước đầu của quân đội Mỹ. Máy bay và tàu hải quân hiện chưa đi vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các công trình cải tạo mà Trung Quốc đang làm. Tiếp cận gần hơn có thể là bước tiếp theo.
Rủi ro tiềm ẩn
Trung Quốc rất tức giận việc điều máy bay trinh sát của Mỹ, gọi đây là "hành vi có thể gây ra tai nạn, rất vô trách nhiệm, nguy hiểm và có hại cho hòa bình và ổn định khu vực".
Theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không thể tác động đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa. Mỹ cũng nói rõ rằng nước này không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại những nơi Washington coi là vùng biển và vùng trời quốc tế.
Nỗ lực hạn chế máy bay nước ngoài ở nơi được nhiều bên coi là không phận quốc tế sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực và có thể kích động đối đầu giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia nhận xét.
Video Trung Quốc 8 lần xua máy bay trinh sát Mỹ ở Biển Đông
Cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell nói rằng cuộc đối đầu mới nhất sẽ tiếp tục là bằng chứng về nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ - Trung. "Có rủi ro thực sự, kiểu đối đầu như thế này có thể dẫn đến diễn biến xấu", Morell nói. Ông lo ngại rằng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai cường quốc.
"Chiến tranh sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Không có lợi cho họ và cũng chẳng có lợi cho chúng tôi", Morell nói.
Đồng minh của Mỹ, Philippines, cho biết Trung Quốc từng ra cảnh báo tương tự với máy bay quân sự nước mình trong ba tháng qua. "Những vụ việc này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng phớt lờ luật pháp quốc tế và tự do hàng không, hàng hải", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói. Các quan chức Philippines cũng nhận định Trung Quốc có thể đang thử lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên quần đảo Trường Sa khi liên tục xua đuổi máy bay nước ngoài.
"Mặc dù Trung Quốc vẫn còn đang che đậy mục đích quân sự của đảo nhân tạo, khả năng cao là họ muốn thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông. Họ muốn sánh vai với hải quân Mỹ, lực lượng đang giữ vị thế vượt trội trong khu vực", Washington Post dẫn lời Yanmei Xie, nhà phân tích về Trung Quốc cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế. Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở họ xây dựng để "điều máy bay đánh chặn, bám đuôi và xua đuổi máy bay quân sự" của Mỹ, Xie nói.
Kịch bản này sẽ biến Biển Đông thành "một nơi thường xuyên xảy ra những vụ suýt va chạm, thậm chí là những cuộc đụng độ", bà cảnh báo.
Phương Vũ