Tờ WSJ cho hay quân đội Mỹ triển khai hệ thống phòng không tầm ngắn Iron Dome (Vòm Sắt) này đến đảo Guam nhằm thử nghiệm khả năng bảo vệ các hệ thống phòng không tầm xa và mục tiêu quan trọng trên đảo trước mối đe dọa ngày càng tăng từ các loại tên lửa Trung Quốc.
Vòm Sắt không phát huy hiệu quả với tên lửa đạn đạo tầm xa của Trung Quốc, nhưng đợt thử nghiệm cho thấy "hàng loạt khí tài đang được Mỹ đưa tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Lầu Năm Góc coi sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc là thách thức hàng đầu", WSJ cho biết.
Trung Quốc đang phát triển các loại oanh tạc cơ có khả năng phóng tên lửa hành trình bay sát mặt biển có thể tấn công mục tiêu trên đảo Guam. Đây có thể là lý do Mỹ triển khai hệ thống Vòm Sắt trên hòn đảo này.
Giới chuyên gia cho rằng Vòm Sắt có thể chặn tên lửa hành trình phóng từ oanh tạc cơ chiến lược Trung Quốc, nhưng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế. Bộ tư lệnh Phòng thủ tên lửa và phòng không số 94 thuộc lục quân Mỹ gần đây cũng thừa nhận khẩu đội Vòm Sắt chỉ là "phương án thử nghiệm mang tính tạm thời", tập trung vào đánh giá khả năng triển khai, duy trì vận hành và tích hợp hệ thống này vào mạng lưới phòng thủ sẵn có tại Guam.
Lầu Năm Góc tháng trước thông báo lục quân Mỹ đã đưa một tổ hợp Vòm Sắt tới đảo Guam. Nó có thể được bố trí ở nhiều địa điểm trên đảo Guam như cảng Apra, căn cứ thủy quân lục chiến Blaz và sân bay Andersen.
Mỹ đặt mua hai tổ hợp Vòm Sắt của Israel với giá 373 triệu USD từ năm 2019, sau khi hệ thống này chứng minh hiệu quả đánh chặn rocket ở Dải Gaza. Tổ hợp đầu tiên được Israel bàn giao cho quân đội Mỹ hồi tháng 10/2020.
Một tổ hợp Vòm sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Mỗi quả đạn Tamir có giá khoảng 40.000-100.000 USD. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Đảo Guam nằm ở giữa Thái Bình Dương, cách Trung Quốc khoảng 2.900 km về phía đông nam. Guam nằm đủ gần lục địa châu Á để không quân Mỹ thiết lập căn cứ dành cho oanh tạc cơ, trinh sát cơ và máy bay tiếp liệu, song hòn đảo đủ xa để gây khó khăn cho đối phương, trừ những lực lượng sở hữu vũ khí tinh vi nhất.
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam có diện tích lớn với đường băng dài cùng bãi đỗ rộng có thể chứa hàng trăm máy bay. Các sĩ quan tham mưu Trung Quốc có thể nhận thức sâu sắc về giá trị của căn cứ Andersen với không quân Mỹ và dường như đã dành nhiều thập kỷ để tìm ra phương án tấn công nơi này.
Vũ Anh (Theo WSJ)