Không quân Mỹ hôm 24/3 thông báo oanh tạc cơ B-52H đã phóng nguyên mẫu hoàn chỉnh của tên lửa siêu vượt âm AGM-183A ngoài khơi bờ biển phía nam bang California trước đó 10 ngày. Đây là lần thứ hai Mỹ thử nghiệm tên lửa AGM-183A với đầy đủ tính năng, nhằm đánh giá thông số kỹ chiến thuật của quả đạn trong toàn hành trình bay.
"Oanh tạc cơ B-52H đã phóng nguyên mẫu tên lửa. Cuộc thử nghiệm đáp ứng nhiều mục tiêu đề ra", không quân Mỹ cho hay và từ chối tiết lộ thêm chi tiết. Cách mô tả này khác với lần thử thành công đầu tiên ngày 9/12/2022, khi lực lượng này tuyên bố chiếc B-52H "phóng thành công tên lửa" và cuộc thử nghiệm "đáp ứng mọi yêu cầu đề ra".

Mô hình tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52 sau chuyến bay thử hồi tháng 8/2020. Ảnh: USAF.
Giới chức quốc phòng Mỹ cũng không cho biết liệu quả đạn có đạt tốc độ gấp 5 lần âm thanh, mức tối thiểu của tên lửa siêu vượt âm, hoàn thành chặng bay theo dự kiến và kích nổ như trong lần thử thành công năm ngoái hay không.
"Chúng tôi dự kiến công bố ít thông tin hơn về chủ đề này trong tương lai vì lý do an ninh tác chiến", quan chức Lầu Năm Góc nói khi được hỏi liệu vụ thử ngày 13/3 có thành công hay không.
AGM-183, còn gọi là Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW), là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được không quân Mỹ tiến hành, bên cạnh các dự án vũ khí siêu vượt âm của các quân chủng khác, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Quả đạn AGM-183 được thả rơi tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/h. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183.
Dự án tên lửa AGM-183A từng nhiều lần gặp sự cố trong quá trình thử nghiệm.
Đợt thử đầu tiên vào tháng 4/2021 gặp trục trặc khi quả đạn mô hình không tách khỏi oanh tạc cơ B-52. Trong cuộc thử nghiệm thứ hai hồi tháng 7/2021, quả AGM-183A tách khỏi máy bay và thể hiện đầy đủ quá trình khởi động, nhưng động cơ tên lửa không kích hoạt.
Trong vụ thử tháng 12/2021, quả đạn tiếp tục gặp trục trặc, khiến tổ bay oanh tạc cơ B-52 phải hủy lệnh khai hỏa. Lần đầu động cơ đẩy AGM-183A kích hoạt thành công là trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 5/2022.
Vũ Anh (Theo Defense News)