Nguồn tin giấu tên của CNBC cho biết trong 8 mục tiêu Mỹ chọn tấn công có hai sân bay, một cơ sở nghiên cứu và một kho vũ khí hóa học của Syria. Trước đó, quân đội Syria đã sơ tán lượng lớn phi cơ tới các sân bay do Nga kiểm soát với hy vọng Mỹ sẽ không tấn công.
Nga cũng điều 10 tàu hải quân rời căn cứ Tartus sau lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump rằng tên lửa "đẹp, thông minh" của Mỹ sẽ tới Syria.
Ryan Bohl, chuyên gia phân tích Trung Đông thuộc tổ chức Stratfor, nhận định các cơ sở vũ khí Syria nằm trong tầm bảo vệ của lưới phòng không Nga, nhưng lại nằm khá xa nơi lực lượng Nga đóng quân. Vì vậy đòn tấn công của Washington sẽ không gây nguy hiểm cho binh sĩ và khí tài của Moscow. Mỹ và Nga dường như vẫn duy trì đường dây nóng nhằm phối hợp để ngăn thương vong cho binh sĩ Nga, đồng thời giúp Washington báo trước cho Moscow về mục tiêu tấn công, tránh leo thang xung đột.
Các cường quốc trên thế giới có nguy cơ rơi vào vòng xoáy chiến tranh tại Syria sau khi quân đội chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc thực hiện cuộc tấn công hóa học hôm 7/4, cướp đi sinh mạng của khoảng 70 người ở thành phố Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus.
Mỹ đang triển khai một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường ở ngoài khơi Syria, chiếc thứ hai sẽ đến đây trong vài ngày tới. Tàu sân bay USS Harry S. Truman và 5 chiến hạm hộ tống đã lên đường tới khu vực Địa Trung Hải và vịnh Ba Tư. Bộ đôi máy bay trinh sát "sứ giả chiến tranh" MC-12 của Mỹ cũng xuất hiện tại đảo Crete, cách bờ biển Syria khoảng 900 km.
Một tàu ngầm Anh đang đến gần bờ biển Syria, các tiêm kích tại căn cứ Akrotiri trên đảo Cyprus sẵn sàng nhận lệnh không kích Syria. Pháp có 10 tiêm kích Rafale tại Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cùng tàu hộ vệ Aquitaine được trang bị 16 tên lửa hành trình tại Địa Trung hải.
Toàn bộ đơn vị quân đội chính phủ Syria và Hạm đội Biển Đen của Nga đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu cao nhất.
Diễn biến vụ tấn công hóa học khiến Mỹ dọa tấn công Syria
Duy Sơn