Lầu Năm Góc ngày 19/7 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỷ USD, cho biết đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đáp ứng "các yêu cầu cấp bách của Ukraine bằng cách cam kết xây dựng năng lực quan trọng trong ngắn hạn, đồng thời xây dựng năng lực lâu dài cho quân đội Ukraine".
Khí tài nổi bật trong gói viện trợ là 4 Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) cùng đạn tên lửa, loại vũ khí phòng không đã giúp Ukraine đối phó với các đợt tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga. Cam kết mới nhất nâng tổng số tổ hợp NASAMS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine lên 12.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 11/2022 tuyên bố NASAMS "đạt tỷ lệ thành công 100% trong đánh chặn tên lửa Nga". Đây là tổ hợp phòng không cố định duy nhất được triển khai trên lãnh thổ Mỹ để bảo vệ thủ đô Washington và các khu vực lân cận.
NASAMS do tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon Mỹ phát triển, được biên chế năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước. NASAMS sử dụng tên lửa phòng không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn 25-30 km với độ chính xác cao, ngoài ra có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được tiêm kích NATO sử dụng.
Ngoài tên lửa phòng không NASAMS, gói viện trợ quân sự mới còn có thiết bị chống UAV, đạn pháo 152 mm, thiết bị rà phá bom mìn cùng UAV tự sát, hay đạn tuần kích, là mẫu Phoenix Ghost và Switchblade.
Gói viện trợ này sử dụng ngân sách từ chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ các tập đoàn quốc phòng Mỹ, thay vì rút từ kho của quân đội.
Mỹ đã cung cấp hơn 10,8 tỷ USD vũ khí cho Ukraine theo chương trình USAI. Tổng viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022 là hơn 40 tỷ USD.
Hai quan chức Mỹ cho biết nước này dự kiến công bố một gói viện trợ quân sự khác trị giá khoảng 400 triệu USD, trong đó có rocket cho pháo phản lực HIMARS, đạn tên lửa cho tổ hợp phòng không Patriot và NASAMS. Gói này cũng có vũ khí chống tăng như tên lửa FGM-148 Javelin và BGM-71 TOW.
Gói viện trợ này dự kiến không có đạn chùm, loại đạn gây tranh cãi mà Mỹ hồi đầu tháng thông báo chuyển cho Ukraine, các quan chức cho biết. Mỹ đang nỗ lực tăng hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh chiến dịch phản công không diễn ra nhanh như Kiev và phương Tây mong đợi.
Nguyễn Tiến (Theo CNN, Reuters)