"Chúng tôi đã đưa một số tên lửa diệt radar có thể phóng từ máy bay Ukraine vào gói viện trợ mới nhất. Chúng có thể uy hiếp các đài radar và nhiều khí tài của Nga", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cho biết trong cuộc họp báo hôm 8/8.
Đây là một phần trong gói viện trợ quân sự gần một tỷ USD của Mỹ cho Ukraine, bên cạnh đạn dẫn đường cho pháo phản lực HIMARS, 75.000 viên đạn cỡ 155 mm, tên lửa cho hệ thống phòng không tầm ngắn NASAMS, tên lửa chống tăng Javelin và nhiều khí tài khác.
Thứ trưởng Kahl không cho biết chủng loại tên lửa diệt radar được chuyển giao. Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi xuất hiện hình ảnh trên mạng xã hội, trong đó cho thấy các mảnh vỡ nghi của tên lửa diệt radar AGM-88 HARM do Mỹ chế tạo tại chiến trường Ukraine.
Điều này dẫn tới những đồn đoán rằng Mỹ đã cung cấp một trong các mẫu tên lửa diệt radar hiện đại cho Ukraine, cùng dấu hỏi về việc những máy bay theo hệ Liên Xô trong biên chế nước này sẽ sử dụng tên lửa của Mỹ như thế nào.
"Chiến đấu cơ Ukraine không tương thích với vũ khí hiện đại của NATO. Họ phải chỉnh sửa thủ công để tiêm kích có thể dùng tên lửa AGM-88, hoặc triển khai chiến dịch bí mật để tiếp nhận máy bay hệ Liên Xô đã nâng cấp hệ thống điện tử theo chuẩn NATO từ những nước láng giềng trong liên minh", chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận xét.
Một khả năng khác là Mỹ chuyển giao cho Ukraine các loại tên lửa diệt radar do Liên Xô phát triển như Kh-31 hoặc Kh-58. Cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ từng sở hữu những loại vũ khí này thông qua chương trình Tận dụng Khí tài Nước ngoài (FME) hoặc mua trực tiếp từ Nga.
AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất. Nó được phát triển để thay thế tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 SARM, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985. Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h.
Vũ Anh (Theo Drive)