Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Đức ngày 26/5 ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Kosovo lùi bước, giảm leo thang tình hình, kêu gọi lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đảo ngược đường hướng.
"Các hành động của Kosovo đã đi ngược khuyến cáo của Mỹ và châu Âu, đẩy căng thẳng lên cao một cách không cần thiết và làm suy yếu nỗ lực bình thường hóa quan hệ Kosovo - Serbia, cũng như ảnh hưởng quan hệ song phương giữa chúng tôi và Kosovo", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong tuyên bố.
Trước đó, đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát tại thị trấn Zvecan thuộc Kosovo. Zvecan là thị trấn có đa số người Serbia sinh sống và họ phản đối việc thị trưởng người Albania mới đắc cử đến nhậm chức (người Albania là nhóm sắc tộc có nguồn gốc ở Kosovo). Cảnh sát ở thủ phủ Pristina của Kosovo tuyên bố họ sẽ hỗ trợ đưa thị trưởng vào văn phòng thành phố, trong khi đám đông người Serbia tập trung để ngăn cản.
Cảnh sát sau đó bắn hơi cay để giải tán người biểu tình và đưa thành công thị trưởng vào bên trong. Vụ đụng độ khiến 5 người bị thương và một xe cảnh sát bị đốt cháy. Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo điều một số phương tiện tới trung tâm thị trấn Zvecan. Serbia cũng lệnh quân đội sẵn sàng chiến đấu và tới sát Kosovo sau đụng độ.
Kosovo là vùng lãnh thổ ly khai ở tây nam Serbia, tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, có khoảng 1,8 triệu dân, 90% là người Albania. Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền này. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, quốc gia hỗ trợ tài chính cho cộng đồng này.
Mỹ là bên hỗ trợ chính của Kosovo về mặt chính trị, quân sự và tài chính kể từ khi tuyên bố độc lập. Phần lớn các nước phương Tây cũng công nhận Kosovo độc lập, nhưng lãnh thổ này chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Căng thẳng ở Kosovo leo thang từ năm 2022, khi chính quyền địa phương lên kế hoạch tổ chức bầu cử tại các đô thị nơi đa số người Serbia sinh sống, làm dấy lên loạt vụ nổ súng và chặn đường. Giới chức Kosovo sau đó hoãn cuộc bỏ phiếu đến tháng 4.
Thỏa thuận giảm leo thang do phương Tây xúc tiến hồi tháng 3 đã được Kosovo và Serbia hưởng ứng, trong đó trao cho người Serbia ở phía bắc nhiều quyền tự trị hơn.
Nhưng trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/4, khoảng 50.000 người Serbia tại 4 đô thị phía bắc, trong đó có Zvecan, đã biểu tình phản đối do yêu cầu về quyền tự trị cao hơn của họ không được đáp ứng.
Tỷ lệ cử tri đi bầu tại các địa phương này là 3,47%. 4 thị trưởng mới đều là người Albania. Cộng đồng người Serbia tuyên bố không làm việc với các thị trưởng người Albania vì không đại diện cho họ.
Đức Trung (Theo Reuters)