Trong khi các quan chức chính quyền Mỹ tìm cách thuyết phục đồng minh rằng Washington vẫn duy trì cam kết tiến hành đến cùng cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, họ gặp phải một trở ngại đáng kể: Những quyết định chính sách "tiền hậu bất nhất" của Tổng thống Donald Trump.
Tại một cuộc họp cấp cao ở Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến diễn ra hôm nay, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ tìm cách thuyết phục đại diện của 35 quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp tục gắn bó với chiến dịch chống IS ngay cả khi thủ lĩnh tối cao của nhóm, Abu Bakr al-Baghdadi, đã bị tiêu diệt hồi tháng trước.
Nhưng sự mơ hồ về chính sách của chính quyền Trump ở đông bắc Syria đã khiến nhiều đồng minh nản lòng, một số nhà ngoại giao cho hay và thêm rằng họ nghi ngờ bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng đều có khả năng bị Tổng thống Mỹ đảo ngược.
Trump hôm qua tuyên bố tại Nhà Trắng trước cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng hàng trăm binh sĩ Mỹ vẫn sẽ hiện diện ở Syria, nhưng chỉ nhằm bảo vệ các mỏ dầu.
Trong khi chỉ một ngày trước, James F. Jeffrey, nhà ngoại giao phụ trách giám sát vấn đề Syria, cho biết mục tiêu chính của các binh sĩ được duy trì với số lượng tương đối nhỏ ở đông bắc Syria là chống IS, còn bảo vệ các mỏ dầu chỉ là "nhiệm vụ thứ yếu". "Lực lượng Mỹ ở đông bắc Syria được giao nhiệm vụ chống khủng bố, đặc biệt để đảm bảo đánh bại IS mãi mãi", Jeffrey nói.
Đây chỉ là một trong hàng loạt minh chứng cho thấy sự bất đồng chính sách trong nội bộ chính quyền Trump kể từ cuộc điện đàm ngày 6/10 giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Sau cuộc gọi trên, Trump đã ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Syria, gây bất ngờ cho các cố vấn cũng như đồng minh nước ngoài. Ba ngày sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công nhằm vào những phần lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay coi dân quân người Kurd là khủng bố, nhưng lực lượng này đóng vai trò như đồng minh thân cận nhất của Mỹ trên chiến trường chống IS.
Sau những cuộc đụng độ quyết liệt giữa dân quân người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Trump lại bất ngờ đổi ý, cho phép để lại dưới 1.000 binh sĩ Mỹ ở Syria. Dù vậy, với sự không chắc chắn về nhiệm vụ và thời gian hiện diện ở Syria của lực lượng này, các đồng minh Mỹ đang phân vân, xem xét lại cách thức hỗ trợ Washington trong cuộc chiến.
Những nỗ lực của châu Âu nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ tái định cư và dọn dẹp bom mìn ở Syria phần lớn đều đang bị trì hoãn đợi tới khi Mỹ có thể đảm bảo an toàn cho khu vực. Trong thông báo hôm qua, Bộ Ngoại giao Pháp lưu ý rằng khu vực đông bắc Syria mới được giải phóng khỏi IS 7 tháng và kêu gọi chống lại "mọi sáng kiến đơn phương có thể làm suy yếu thành quả này".
"Rõ ràng Tổng thống Trump quyết định giữ lại quân đội ở Syria dựa trên cơ sở duy nhất ông quan tâm là dầu mỏ", Charles R. Lister, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông, nhận xét. "Nhưng mục tiêu lớn hơn mà chính phủ Mỹ hướng tới là cố gắng sử dụng nó như cái cớ để từng bước tạo nên một chiến lược có ý nghĩa, ít mơ hồ và bền vững hơn, tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố, đồng thời tạo dựng thêm lợi thế đàm phán với Damascus".
Sau khi Baghdadi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã tìm mọi cách để giải thích với các đồng minh rằng lực lượng Mỹ hiện diện ở Syria chỉ nhằm đánh bại IS và phối hợp với đồng minh người Kurd, chứ không phải vì bảo vệ mỏ dầu.
Hôm 10/11, tướng Mark A. Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng nhấn mạnh Washington sẽ duy trì khoảng 600 đến 700 binh sĩ ở bắc Syria nhằm thực thi sứ mệnh chống khủng bố.
"Vẫn còn chiến binh IS ở khu vực và nếu không duy trì áp lực và sự tập trung vào chúng, IS hoàn toàn có khả năng trỗi dậy", ông nói. "Lực lượng Mỹ có thể khá nhỏ, nhưng mục tiêu vẫn giữ nguyên, đó là đánh bại IS mãi mãi".
Nhưng giới chuyên gia an ninh cảnh báo việc Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở đông bắc Syria sẽ tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cuộc xung đột lớn khác giữa người Kurd với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm.
"Bạn không thể có một đối tác địa phương đóng vai trò là lực lượng duy nhất chống IS và cùng lúc, bạn sẽ không thể bảo vệ họ khỏi bị tấn công bởi một quốc gia mà bạn gọi là đồng minh", Nicholas A. Heras, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, bình luận.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)