Washington Post hôm nay dẫn tin từ các quan chức cấp cao chính quyền Trump, cho hay đại diện các cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ hôm 15/5 thảo luận có nên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992 hay không.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Mỹ cáo buộc một số quốc gia như Nga và Trung Quốc triển khai các vụ thử hạt nhân công suất thấp, nhưng không nêu bằng chứng cụ thể và hai quốc gia bác bỏ thông tin. Kịch bản Mỹ nối lại thử hạt nhân được đánh giá sẽ tác động sâu rộng đến mối quan hệ giữa Washington với các cường quốc hạt nhân và đảo ngược lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ liên quan các vụ thử nghiệm tương tự.
Hiện có nhiều thông tin khác nhau về kết quả cuộc họp trên, một quan chức chính quyền cấp cao cho hay chưa có kết luận nào được đưa ra, trong khi một nguồn thạo tin khác cho biết quyết định cuối cùng là tránh nối lại thử nghiệm và tiến hành các biện pháp khác nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận vấn đề này. NNSA, Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia, đơn vị bảo đảm an toàn cho kho dự trữ vũ khí hạt nhân Mỹ, cũng không bình luận.
Lần gần đây nhất Mỹ thử hạt nhân là vào tháng 9/1992. Những ý kiến ủng hộ không phổ biến hạt nhân cảnh báo việc nối lại hoạt động này có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Daryl Kimball, giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho rằng động thái "sẽ là phát súng khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chưa từng có".
Kể từ năm 1945, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành khoảng 2.000 vụ thử hạt nhân, trong đó hơn 1.000 vụ do Mỹ thực hiện. Các hậu quả liên quan môi trường và sức khoẻ con người đã dẫn tới một lệnh cấm gần như toàn cầu. Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) đã được 184 quốc gia ký kết.
CTBT được đàm phán từ những năm 1990 song cần được 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân gồm Mỹ, Iran, Israel và Ai Cập, phê chuẩn để phát huy hiệu lực. Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT.
Một quan chức Mỹ cho rằng nếu chính quyền tiến hành thử hạt nhân, Mỹ có thể gây áp lực nhằm ép Trung Quốc tham gia một thỏa thuận ba bên cùng với nước này và Nga. Song những ý kiến ủng hộ không phổ biến vũ khí hạt nhân lại cho rằng động thái chứa đầy rủi ro.
Mai Lâm (Theo Washington Post)