Tiết mục gọi điện lừa đảo để nạn nhân chuyển tiền không có gì mới, chỉ có nội dung kịch bản bị lừa là mới thôi. Người người chỉ trỏ các bên liên quan để tìm xem ai là người có trách nhiệm. Thật ra nhiều bên có trách nhiệm và mỗi bên cần làm phần việc của mình để bớt đi các vụ lừa đảo.
Thứ nhất phải nói về sim rác, nhà mạng có thể quản lý được một cách hết sức đơn giản là đừng bán sim rác nữa. Trên thực tế, nhu cầu mua sim trả trước, hết tiền thì vứt luôn tồn tại. Ở Mỹ ít ai cần phải làm những việc này, trừ khi là người đi du lịch mà thôi. Mua sim rác để lừa đảo không thực tế lắm, bởi vì các cơ quan khác khá chặt chẽ, thủ đoạn lừa đảo phải tinh vi lắm mới qua mặt được họ.
Các tài khoản ngân hàng được quản lý rất chặt. Việc mở tài khoản ngân hàng rồi đem bán có thể gây những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nên chả ai dám tự ý làm chuyện đó cả. Nếu bạn là người đứng tên mà tài khoản đó có liên quan tới lừa đảo thì bạn có thể bị khép vào tội rửa tiền. Vì vậy rất ít ai dám "chơi ngu" đi bán tài khoản ngân hàng do mình mở cả.
Các ngân hàng cũng có các quy định nghiêm ngặt về việc mở tài khoản ngân hàng. Bạn cần hai loại giấy tờ chứng minh nhân thân, như là bằng lái xe và hộ chiếu. Bạn cũng cần phải chứng minh địa chỉ của mình, như là phải đem thư từ, hóa đơn điện nước có tên mình. Vì vậy việc mở tài khoản khá khó khăn, chỉ đem một cái bằng lái xe tới thì sẽ không mở được tài khoản.
Các điều luật chặt chẽ về ngân hàng cùng những hình phạt nặng nề đối với những người tham gia tạo tài khoản ma khiến cho ít ai dám động vào. Mặt khác, ngành ngân hàng cũng bị giám sát chặt chẽ. Việc "chạy chỉ tiêu" để làm ra "tài khoản ma" thì gần đây ngân hàng Wells Fargo cũng có, nhưng là họ mở thêm tài khoản cho các khách hàng có sẵn và để đó cho vui, chủ yếu là có để báo cáo lên cấp trên. Vụ việc vỡ lỡ, ngân hàng bị kiện và bị phạt, các quản lý cấp cao phải ra quốc hội để giải trình, rất khổ sở.
Khi cả ngân hàng lẫn người đứng tên ngân hàng đều bị quản lý chặt chẽ và có thể bị truy tố hình sự nếu tham gia "tiết mục" tài khoản ma thì các tài khoản bị mua bán sẽ giảm hơn, từ đó tội phạm sử dụng ngân hàng để lừa đảo sẽ giảm đi.
Nhưng quan trọng hơn hết là các trò lừa đảo thô sơ kiểu gọi điện báo con bị cấp cứu khó có đất sống nếu người ta biết suy nghĩ một chút. Tôi làm việc ở Mỹ và thường xuyên được công ty giáo huấn về các bước để bảo mật thông tin và chống lừa đảo. Các chiêu lừa đảo chỉ bao gồm hai việc: tạo cho nạn nhân tâm lý là cần phải rút tiền ra mà đưa cho kẻ lừa đảo, và làm sao cho thật gấp.
Vì vậy, khi bạn gặp phải các điều sau đây và nó có liên quan tới tiền bạc thì phải ngừng lại ngay: Nếu bạn cảm thấy mình sắp sửa được lợi, sắp sửa bị thiệt, cảm thấy sợ hãi, cảm thấy yêu thương hay cảm thấy tội nghiệp và cần phải đưa tiền ra vì cảm xúc đó thì dẹp ngay, nhất là khi người đó không phải là thân quen rõ ràng, đứng ngay trước mặt mình. Còn mình phải đưa tiền ngay lập tức thì 100% là lừa đảo.
Tất cả mọi sự lừa đảo đều như vậy: đánh vào lòng tham, như là chuyển tiền để nhận thưởng; đánh vào cảm giác sắp bị thiệt, như là bị công an truy nã, đánh vào lòng sợ hãi, như là con bị tai nạn đi cấp cứu; đánh vào tình yêu, đây là món tình yêu qua mạng, được người yêu ở Mỹ gởi quà; và đánh vào lòng trắc ẩn, tức là lừa đảo từ thiện.
Khi các cảm giác đó nổi lên và mình bị yêu cầu đưa tiền ngay lập tức thì phải dừng lại ngay, kiểm tra lại xem thế nào chứ đừng móc túi ra như vậy.
Khi pháp luật còn khá lỏng lẻo trong vấn đề quản lý tài chính ngân hàng, đặc biệt là trong thời đại số thì sẽ có nhiều người bị lừa. Nhiều người cũng tham gia tiếp tay cho bọn tội phạm với những "tiết mục" kinh dị, như là lập tài khoản rồi đem bán, cho "mượn" thông tin để đem mở tài khoản ngân hàng.
Ý thức bảo mật thông tin không cao, nhiều người tôn trọng thông tin của bản thân mình, đừng nói gì tới người khác. Tới lúc có việc thì tất nhiên là những người, tổ chức nắm thông tin sẽ bị đổ lỗi. Việc truy ra ai là con ai nó rất dễ, chỉ cần lên Facebook là có thể truy được.
Điều mà mọi người có thể làm là học cách bảo vệ mình trước những trò lừa đảo kiểu này. Nhà trường, công ty, cơ quan đều phải phổ biến các thông tin này tới mọi học sinh, phụ huynh và nhân viên. Tôi là luật sư mà các công ty luật còn phải mỗi quý đều bắt nhân viên "training" về bảo mật thông tin, các mánh khóe ăn cắp thông tin, các mánh khóe lừa đảo.
Nhìn nhận khả năng mỗi người đều có thể bị lừa và nêu cao cảnh giác là "hệ miễn dịch" quan trọng nhất để đối phó lừa đảo. Những việc khác tinh vi hơn thì luật pháp phải vào cuộc.
Nhưng trong một xã hội mà nhiều người sẵn sàng bán tài khoản ngân hàng của mình vì một chút tiền thì cơ quan chức năng sẽ còn khổ sở nhiều. Đem những kẻ như vậy ra trước pháp luật để xử lý cũng là một điều tốt.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.