Lực lượng an ninh Nga khi đó bắt một số nghi phạm âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nhiều địa điểm đông người ở thành phố St. Petersburg, trong đó có Nhà thờ lớn Kazan. Tuy nhiên, thông tin cảnh báo về vụ tấn công không phải do các cơ quan an ninh, tình báo Nga thu thập, mà do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cung cấp.
"Thông tin do CIA Mỹ cung cấp đủ để truy lùng và bắt tội phạm", Điện Kremlin cho biết trong thông cáo ngày 17/12/2017. Putin đã nhờ Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển "lời cảm ơn đến giám đốc CIA", khi đó là Mike Pompeo, hiện là Ngoại trưởng Mỹ.
Việc chuyển thông tin tình báo cho Nga về âm mưu khủng bố được CIA thực hiện theo một chỉ thị của chính quyền Trump, nhưng nó đã khiến nhiều quan chức trong cộng đồng tình báo Mỹ gặp rắc rối, theo một cựu quan chức cấp cao của CIA. "Họ không nề hà chuyện ngăn việc người vô tội Nga có nguy cơ bị tấn công khủng bố. Song rắc rối của họ đến từ chính quyền Trump đã đẩy CIA vào một mối quan hệ chống khủng bố chưa từng có tiền lệ", cựu quan chức cho biết.
Nhà Trắng đưa ra chỉ thị chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố với Nga nhằm theo đuổi mối quan hệ quyền lực lớn, giống chính quyền Bush và Obama từng làm, theo Marc Polymeropoulos, cựu quan chức CIA. Polymeropoulos từng giám sát các hoạt động tình báo bí mật của CIA ở lục địa Á – Âu tới tháng 7/2019.
Nỗ lực xây dựng quan hệ với Nga thông qua chia sẻ tin tình báo được khởi động từ ngày đầu tiên Trump nắm quyền. "Tuy nhiên, đúng như dự đoán, phía Mỹ không được đáp lại thứ gì. Nhà Trắng tập trung rất nhiều vào điều này và nó đã trở nên vô ích", Polymeropoulos nói.
Hoạt động chia sẻ thông tin giữa cơ quan tình báo các nước không phải hiếm, đặc biệt về các mối đe dọa sắp xảy ra. Ngoài ra, các cơ quan tình báo phải phần nào duy trì liên lạc để đảm bảo hoạt động của họ không leo thang thành xung đột.
Pompeo và John Brennan, giám đốc CIA dưới thời cựu tổng thống Obama, đều thừa nhận đã phối hợp với Nga trong mục tiêu chống khủng bố. Tuy nhiên, sau cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh năm 2018, hoạt động chia sẻ thông tin chống khủng bố với Nga trở thành vấn đề nghiêm trọng với cộng đồng tình báo Mỹ.
"Lệnh chia sẻ thông tin tình báo là một chỉ thị thường trực, khuyến nghị các cơ quan chia sẻ bất cứ khi nào có thể", Polymeropoulos nói. "Các bạn có thể trợn tròn mắt hoặc nhún vai, nhưng vẫn phải làm điều này".
Polymeropoulos cho rằng chia sẻ thông tin tình báo không tổn hại đến lợi ích của Mỹ, mà đó là "hành động vô tư". Chia sẻ thông tin là yêu cầu không thể từ chối bởi nếu phản đối, nó sẽ khiến nhiều người càng tin vào "nhà nước ngầm", thuyết âm mưu cho rằng các cơ quan an ninh Mỹ đang ngấm ngầm chống lại Trump.
Tuy nhiên, các lãnh đạo của CIA, trong đó có Pompeo và giám đốc đương nhiệm Gina Haspel, đều biết rõ thái độ không đồng tình trong nội bộ cơ quan. "Ban lãnh đạo hiểu rõ điều này chỉ phí thời gian vô ích. Song dù gì đây là chính sách quản trị và chúng tôi vẫn phải thi hành", Polymeropoulos nói.
Một quan chức CIA nghỉ hưu trong nhiệm kỳ của Trump giải thích rằng "khủng bố là kẻ thù chung duy nhất của Mỹ với Nga" và nước này muốn duy trì mối liên kết đó. Một cựu quan chức CIA khác nói không coi hợp tác chống khủng bố với Nga là ưu tiên do Nhà Trắng không gây áp lực, đồng thời cho biết Nga thường không chia sẻ thông tin tình báo với họ.
"Lần cuối chúng tôi nhận được tin tức từ Nga là khoảng Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014 và không có gì nhiều", cựu quan chức này nói. Khi đó, cơ quan an ninh Nga thông báo cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng Tamerlan Tsarnaev, thường trú tại Mỹ, có liên quan đến các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tsarnaev cùng em trai Dzhokhar đã đánh bom giải marathon Boston năm 2013, khiến 3 người chết và hơn 260 người bị thương.
Steve Hall, từng đảm nhận giám sát các hoạt động liên quan tới Nga của CIA trước khi nghỉ hưu năm 2015, cho biết "các chính quyền mới của Mỹ luôn có xu hướng hòa giải với Nga". Kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, chống khủng bố trở thành lĩnh vực hợp tác nhằm kiểm chứng khả năng xuống thang căng thẳng Nga - Mỹ có thể tới đâu.
Tuy nhiên, Hall cho rằng hoạt động tương tác với Nga đã sa vào ngõ cụt. "Sau khi tiếp cận, bạn mong Nga sẽ cử tới chuyên gia chống khủng bố. Song hóa ra những người này là chuyên gia phản gián", Hall nói. Các chuyên gia Nga cử đến "ít được trang bị" để chống khủng bố, thay vào đó họ chuyên nhằm vào điệp viên CIA.
CIA và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ từ chối bình luận, Nhà Trắng và Điện Kremlin chưa phản hồi về thông tin.
Hoạt động chia sẻ thông tin tình báo được quan tâm sau khi dấy lên nghi ngờ Nga trả tiền cho Taliban để hạ sát lính Mỹ tại Afghanistan, dù thông tin này chưa được kiểm chứng. Nga bị cho là đứng về phía Taliban sau khi Mỹ rút quân và tìm cách chấm dứt "cuộc chiến không hồi kết".
Một tướng Mỹ công tác tại Trung Đông nói rằng không thấy mối liên hệ nào giữa khoản tiền thưởng của Nga với số binh sĩ Mỹ chết tại Afghanistan. Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng "tình báo bị chính trị hóa đến mức ai đó tiết lộ thông tin này để làm chậm quá trình rút quân" khỏi Afghanistan.
Cựu quan chức CIA than phiền rằng việc chia sẻ thông tin tình báo với Nga là tốn thời gian và lãng phí nguồn lực. "Chẳng có một người Mỹ nào được cứu nhờ thông tin của Nga. Họ không đưa ra thứ gì có giá trị cả", Polymeropoulos cho biết.
Chiến dịch ngăn âm mưu khủng bố tại thành phố St. Petersburg năm 2017 không phải lần cuối Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho Nga. Tổng thống Putin hồi tháng 2 gửi lời cám ơn FBI vì "sự hỗ trợ và tình đoàn kết chuyên nghiệp" giúp phanh phui âm mưu tấn công khác tại St. Petersburg mà Nga cáo buộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng sau.
"Chúng tôi đương nhiên sẽ trả lễ cho lòng tốt này", Tổng thống Putin nói.
Nguyễn Tiến (Theo Daily Beast)