Cáo buộc được đăng hôm qua trên tài khoản Twitter Sputnik V do Nga điều hành. Để chứng minh, tài khoản này đính kèm Báo cáo Thường niên 2020 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) dài 71 trang, trong đó có một đoạn về vấn đề "Chống lại ảnh hưởng tiêu cực ở châu Mỹ".
"Văn phòng Các vấn đề Toàn cầu (OGA) của Mỹ đã tận dụng quan hệ ngoại giao tại châu Mỹ để kiềm chế nỗ lực của Cuba, Venezuela và Nga, những nước đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, gây tổn hại an ninh và sự an toàn của Mỹ", báo cáo có đoạn.
Báo cáo cho hay OGA đã phối hợp với các cơ quan chính phủ khác của Mỹ "thuyết phục các quốc gia trong khu vực từ chối viện trợ từ những nước không có thiện chí này", trong đó có việc văn phòng Tùy viên Y tế của OGA kêu gọi Brazil từ chối vaccine Covid-19 của Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay từ chối bình luận cụ thể về báo cáo trên, nhưng cho hay Nga đang chống lại hành vi chính trị hóa vaccine. "Nhiều quốc gia chịu áp lực ở quy mô chưa từng có. Những nỗ lực ích kỷ nhằm buộc các nước từ bỏ bất cứ loại vaccine nào cũng đều không có triển vọng", ông cho biết.
"Chúng tôi tin rằng nên có càng nhiều vaccine càng tốt, để mọi quốc gia, bao gồm những nước nghèo nhất, đều có cơ hội ngăn chặn đại dịch", Peskov nói thêm.
Đại sứ quán Mỹ tại Moskva đã chuyển yêu cầu bình luận đến Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng cơ quan này chưa phản hồi.
Bộ Y tế Brazil hôm 12/3 ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, dự kiến giao trong quý II năm nay. Các lô hàng được nhập khẩu qua công ty dược phẩm Uniao Quimica, nơi có kế hoạch sản xuất vaccine này tại Brazil vào cuối năm. Tuy nhiên, vaccine Sputnik V chưa được Brazil cấp phép sử dụng.
Ánh Ngọc (Theo Brazilian Report, Reuters)