Giữa tháng 8, Mỹ ra quy định bổ sung, yêu cầu các nhà cung cấp toàn cầu, nếu sử dụng công nghệ của Mỹ trong sản xuất chip, không được bán linh kiện cho Huawei trừ khi được cấp phép đặc biệt. Quy định có hiệu lực từ ngày 15/9.
Theo CNBC, các doanh nghiệp Mỹ, chuyên cung cấp trang thiết bị cho sản xuất chip, hiện xuất khẩu 90% sản phẩm của họ tới các đối tác toàn cầu, chủ yếu ở Đông Á, trong đó có Trung Quốc. Việc yêu cầu những đối tác này phải xin giấy phép mới được bán hàng cho Huawei sẽ khiến ngành bán dẫn của Mỹ bị ảnh hưởng lớn.
Việc kinh doanh phần cứng, phần mềm và ứng dụng của doanh nghiệp Mỹ cũng bị tác động không nhỏ, bởi tính riêng trong năm 2019, Huawei chi 18,7 tỷ USD để mua linh kiện từ các công ty Mỹ. Hàng chục nghìn công việc ở Mỹ cũng bị đe dọa khi lệnh cấm có hiệu lực.
Nghiên cứu của hãng tư vấn BCG cũng chỉ ra, sự chia tách về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 37% doanh thu của các nhà sản xuất chip Mỹ, kéo thị phần toàn cầu của họ xuống dưới 30% thời gian tới.
Quan trọng hơn, chiến dịch chống lại công nghệ Trung Quốc có nguy cơ khiến Mỹ không đạt được mục tiêu thiết lập vị trí hàng đầu về 5G trong tương lai.
Việc triển khai 5G của Mỹ hiện gần như phụ thuộc vào hai nhà cung cấp là Ericsson và Nokia. Tuy nhiên, theo Telegraph, công nghệ 5G của Huawei được đánh giá vượt 12 - 18 tháng so với các đối thủ khác. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), đại diện cho Intel, Qualcomm, Nvidia..., bày tỏ lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến nước này bị chậm chân trong một số công nghệ như 5G.
"Hợp tác với Huawei sẽ đẩy mạnh quá trình triển khai, đưa Mỹ trở lại đường đua để dẫn đầu về 5G. Thúc đẩy kết nối 5G còn giúp ngành công nghiệp nước này tận dụng những lợi thế mà 5G và AI mang lại, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho thế hệ công nghệ không dây tương lai, khi mà 6G dự kiến được thương mại hóa khoảng năm 2030", Paul Scanlan, Giám đốc công nghệ của Huawei, khẳng định trên CNBC.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ và các đối tác của Huawei ở nước ngoài, như Samsung, SK Hynix, MediaTek... đã gửi đơn đề nghị chính phủ Mỹ cho phép giao dịch với Huawei, dù khả năng được chấp thuận không cao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tăng cường nội địa hóa công nghệ để giảm mức độ ảnh hưởng từ các quyết định của Mỹ, cũng như tự chủ về công nghệ.
"Áp lực của Mỹ khiến doanh nghiệp Trung Quốc hướng vào thị trường nội địa. Họ sẽ đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu phát triển cho các ngành công nghiệp thiết yếu như bán dẫn", Jie Lu, Giám đốc mảng nghiên cứu Trung Quốc của công ty Robeco, nhận xét trên Reuters.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) nhận định, việc ngăn Huawei tiếp cận nguồn cung ứng linh kiện chứa công nghệ Mỹ có thể làm tổn thương hãng này trong một thời gian nhất định. Nhưng về lâu dài, lệnh cấm lại càng thúc đẩy Huawei và các công ty Trung Quốc vươn lên, trở nên độc lập hơn.
Châu An tổng hợp