Cách đây khoảng 8 năm, trong một biệt thự hướng ra bờ hồ tuyệt đẹp nằm ở Thâm Quyến, nhà sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi - đã cùng một nhóm chuyên gia công nghệ thảo luận trong nhiều ngày. Nhiệm vụ của nhóm là đưa ra các ý tưởng về việc Huawei nên ứng phó thế nào với sự thành công ngày càng lớn của Android - hệ điều hành di động do Google đứng sau.
Khi đó, Huawei đã bắt đầu đưa Android lên một số sản phẩm của mình. Một ý kiến bày tỏ lo ngại rằng nếu quá phụ thuộc vào nền tảng này, công ty có thể dễ bị tác động bởi Mỹ trong tương lai.
Tương lai đó cuối cùng cũng xảy ra. Tháng 5 năm ngoái, Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách thực thể với lý do "đe dọa an ninh quốc gia". Từ đó đến nay, hàng loạt lệnh cấm được phía chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra, như "vòng kim cô" siết công ty Trung Quốc ngày càng chặt.
Theo SCMP, HarmonyOS được cho là đã phát triển cùng năm với cuộc họp trên, nhưng mãi đến giữa 2019 mới công bố. Một năm sau, Huawei đã ra bản HarmonyOS 2.0. Tuy vậy, công ty cho biết phải đến 2021, nền tảng này mới được đưa lên smartphone.
"Phiên bản mới nhất của HarmonyOS đã chính thức mở cho các nhà phát triển trên toàn cầu", người đứng đầu bộ phận thiết bị tiêu dùng của Huawei, phát biểu tại sự kiện ở Đông Quan hôm 10/9. "Hệ thống dịch vụ di động của Huawei hiện thu hút 1,8 triệu nhà phát triển ứng dụng, 490 triệu người dùng và 96.000 ứng dụng".
Cũng theo ông Yu, Huawei đang đẩy nhanh việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng xung quanh HarmonyOS, trong đó, đẩy mạnh Huawei Mobile Services (HMS) - hệ sinh thái ứng dụng mới nhằm thay thế cho Google Mobile Services (GMS) của Google. Để làm điều này, công ty sẽ có chính sách thu hút các nhà phát triển bằng việc thu phí xuống mức thấp nhất có thể, từ 10 đến 15% - bằng nửa so với mức thu 30% của Apple và Google với các nhà phát triển ứng dụng trên App Store và Play Store.
Theo Zhang Ping'an, Chủ tịch mảng Dịch vụ đám mây của Huawei, kế hoạch của Huawei là chi một tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển. 80% trong số đó sẽ được chi ra nước ngoài.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng thay thế Android của Harmony vào năm sau, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài, nơi nhiều người dùng coi các ứng dụng của Google như YouTube và Gmail là bắt buộc phải có.
"Ngay cả khi tạo được nhiều động lực hơn cho các nhà phát triển, Huawei vẫn phải lội ngược dòng để thuyết phục nhà phát triển đầu tư thời gian chuyển ứng dụng từ Android sang", Bryan Ma, Phó Chủ tịch tại công ty nghiên cứu thị trường IDC, nhận xét.
Cũng theo ông Ma, Huawei khó xây dựng thư viện các ứng dụng hàng đầu ngoài Trung Quốc, bởi hiện nay không ít người dùng đang phụ thuộc vào Google trong rất nhiều vấn đề, chẳng hạn quản lý quyền kỹ thuật số, địa điểm, thanh toán và dịch vụ thông báo. Đây là vấn đề khó thay đổi một sớm một chiều.
Trong khi đó, khó khăn còn đến với Huawei do hệ sinh thái mới thiếu các ứng dụng lớn. "Huawei sẽ gặp nhiều khó khăn bên ngoài Trung Quốc, khi hầu hết ứng dụng quan trọng như Facebook, Netflix, Instagram, WhatsApp... không có mặt do lệnh cấm từ Mỹ", Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, cho biết.
Số liệu của IDC cho thấy, Android của Google chiếm 85,4% lượng smartphone xuất xưởng năm ngoái, trong khi iOS của Apple chiếm 14,6% còn lại. "Lịch sử cho thấy, các nền tảng như Tizen của Samsung, FireOS của Amazon, Windows Phone của Microsoft và Ubuntu của Canonical đều đã thất bại khi cố gắng đưa lên smartphone. Đơn giản vì các ứng dụng trên đó, gồm loạt dịch vụ của Google, đã không được làm bài bản", BBC bình luận. "Ở Trung Quốc, người tiêu dùng không sử dụng cửa hàng Google Play và nhiều dịch vụ của Google, do đó những hạn chế không gây ra vấn đề gì cho Huawei. Nhưng ở các quốc gia khác, phần mềm Google là thiết yếu và khó thay thế".
Một số chuyên gia đánh giá, số phận hệ điều hành mới còn phụ thuộc vào cách mà Huawei làm việc với các đối tác. "HarmonyOS sẽ chỉ phát triển ở những nơi khác nếu các công ty đồng hương Trung Quốc có thị phần lớn như Xiaomi và Oppo áp dụng", Marta Pinto, nhà phân tích của IDC, nhận xét.
Ben Wood, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn CCS Insight, cho rằng HarmonyOS sẽ sớm trở thành nền tảng phổ biến thứ ba sau Android và iOS, nhờ vào "tài năng kỹ thuật, tham vọng và lợi thế thị trường nội địa". "Nếu chính phủ Trung Quốc đứng sau và ủng hộ, đó sẽ là chất xúc tác Huawei thiết lập nền tảng smartphone thứ ba toàn cầu", Wood nói. "Nhưng xét về khát vọng toàn cầu, việc phổ biến HarmonyOS khó thực hiện hơn rất nhiều".
Ngoài ra, Huawei đang đối mặt với nhiều nguy cơ khiến việc đưa HarmonyOS ra toàn thế giới khó thực hiện, như không thể sản xuất nhiều smartphone. Hiện lệnh cấm của Mỹ đang khiến Huawei không thể sản xuất hoặc mua chip sau ngày 15/9. Dưới tác động của lệnh cấm, nhiều công ty cung cấp linh kiện cũng tuyên bố ngừng hợp tác với công ty Trung Quốc, như Samsung và SK Hynix ngừng cung cấp chip nhớ, Samsung Display và LG Display chấm dứt hợp tác về tấm nền màn hình...
Theo Elec, Huawei chỉ có thể sản xuất khoảng 50 triệu smartphone trong năm tới, giảm gần 75% so với năm nay. Công ty đã xuất xưởng 240 triệu máy trong 2019 và dự kiến đạt 190 triệu máy trong năm nay.
Bảo Lâm tổng hợp