Trong buổi tọa đàm mới nhất với các nhân viên mới, của Chủ tịch luân phiên Huawei, ông Guo Ping, đã mượn câu nói Winston Churchill, một chính trị gia nổi tiếng người Anh, để thể hiện quan điểm của mình: "Đừng bao giờ lãng phí cơ hội trong khủng hoảng".
Quan điểm về tương lai
Mở đầu tọa đàm, vị lãnh đạo này nhấn mạnh: "Thế giới đang bước vào kỷ nguyên kinh tế số".
Ông so sánh bước chuyển mình này với kỷ nguyên điện trước đây trong lịch sử loài người. Edison từng phát hiện điện có thể thắp sáng và phát minh ra bóng đèn. Tuy nhiên, công dụng ban đầu của điện là để thắp sáng mà thôi. Loài người chỉ thực sự bước vào kỷ nguyên điện sau khi năng lượng này tham gia vào công cuộc điện khí hóa dân dụng và được đưa vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Nếu kỷ nguyên điện tạo đà cho General Electric trở thành biểu tượng của nền kinh tế Mỹ và là công ty có giá trị nhất tại Mỹ trong 100 năm sau đó, nay đã đến lúc nhân loại bước vào kỷ nguyên kinh tế số, "trong đó, lĩnh vực kết nối và điện toán đóng vai trò cốt lõi".
Ông Guo cho rằng 5G và Internet vạn vật là ví dụ điển hình của công nghệ kết nối, trong khi điện toán đám mây và công nghệ điện toán đại diện cho Trí tuệ nhân tạo (AI). Ông khẳng định trong tương lai, Huawei chú trọng theo đuổi các lĩnh vực kết nối, điện toán và công nghệ thiết bị đầu cuối với chủ trương "trở thành nhà cung cấp quan trọng nhất cho công nghệ then chốt của nền kinh tế số".
Chủ tịch luân phiên của Huawei cho rằng trong 30 năm qua, công ty đã đồng hành cùng khách hàng và đối tác chinh phục bài toán tương tự câu chuyện về "điện thắp sáng". Khác biệt ở chỗ, loại hình "thắp sáng" này là sự kết nối giữa người với người, như gọi điện thoại, gửi tin nhắn, hình ảnh, video. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đưa loại hình thắp sáng này xâm nhập vào quy mô gia đình, vào các ngành nghề vẫn còn ở giai đoạn mở đầu.
Guo Ping tái khẳng định 5G "đánh dấu một kỷ nguyên mới của Internet vạn vật". Xét về công nghệ tiên tiến với đại diện là 5G, Huawei tự tin "đang ở vị trí dẫn đầu". Do đó, trọng tâm tiếp theo của hãng là đồng hành cùng đối tác để phát hành "cổ phiếu thưởng" do công nghệ tiên tiến mang lại, hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và giúp khách hàng chiến lược của công ty thành công trong kinh doanh.
Ông Guo nhấn mạnh tương lai của Huawei nằm trong tay lớp trẻ. Trong nỗ lực mang lại những đóng góp to lớn cho tương lai, mọi thành viên trong công ty "đều có cơ hội cống hiến". Việc "thay máu" nhân tài là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức, khi Huawei không có trong tay những yếu tố tiên tiến như Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có thể cùng lúc duy trì "một thế giới với hai hệ thống".
Guo Ping cũng không quên đề cập đến nhu cầu phải đột phá sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất, hậu cần, tài chính và CNTT. Chỉ khi đó, "Huawei mới tiếp tục tồn tại và dẫn đầu trong môi trường khắc nghiệt này".
"Trung Quốc là đại bản doanh, nhưng thứ chúng ta cần không chỉ là đại bản doanh, mà cả những nỗ lực hết mình trên thị trường toàn cầu để đạt được kết quả tốt. Đây là cơ hội tốt nhất cho các nhân viên mới của Huawei", ông nói.
Huawei sẽ ứng phó thế nào với Mỹ
Trong bài phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tại Viện chính sách Mỹ vào tháng 2 năm nay, hình ảnh Mỹ luôn xuất hiện với vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ. Thế nhưng, sự vươn lên của Trung Quốc khiến Mỹ mất đi quyền lực thống trị thế giới, trong đó có sự thống trị của Huawei về công nghệ 5G
"Việc Mỹ siết thêm các biện pháp trừng phạt vừa qua đã gây thêm vài khó khăn cho Huawei, nhưng chúng ta vẫn có thể khắc phục", ông nói. Về bản chất, thử thách mà hãng phải đối mặt là "chạy đua với thời gian". Ông lạc quan cho rằng thách thức có thể là cơ hội cho các nhân viên mới.
Trong phần hỏi - đáp giữa Guo Ping và đội ngũ nhân viên sau đó, ông nhấn mạnh, dù Mỹ gây sức ép, nhưng Huawei không coi đây là "khủng hoảng", mà là thách thức. Hãng đã có sự chuẩn bị cho riêng mình. Trong tình huống tồi tệ nhất, dù cho không thể tham gia vào tất cả các lĩnh vực, chẳng hạn dịch vụ CNTT hay dịch vụ IT lưu trình, Huawei vẫn duy trì đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, thiết kế chip. Đồng thời Huawei sẽ hỗ trợ các đối tác hoàn thiện và xây dựng năng lực của chính họ.
Ông nhấn mạnh: "Chỉ có Huawei mới đánh bại được bản thân mình. Mỹ đã tạo ra khủng hoảng cho Huawei, nghĩa là Mỹ đang tạo ra cơ hội cho mỗi nhân viên của công ty này. Mọi người hãy nắm bắt lấy nó".
Hải Yến tổng hợp