"Trước hết, chúng tôi không đề cập vấn đề theo những từ ngữ đó", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với phóng viên hôm 27/9 khi được hỏi liệu Nhà Trắng có liên quan quan vụ "trao đổi tù nhân". "Đây là vấn đề thực thi pháp luật vì liên quan cụ thể đến quan chức Huawei, người đã được thả. Vì vậy, đây là vấn đề pháp lý".
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver, Canada ngày 24/9, vài giờ sau khi công tố viên New York công bố thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận với bà. Trung Quốc sau đó trả tự do cho Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada bị bắt vài ngày sau khi giám đốc Huawei bị giam.
"Không có mối liên quan nào. Chúng tôi có Bộ Tư pháp độc lập đưa ra các quyết định độc lập, đó là những quyết định thực thi pháp luật. Đồng thời, chúng tôi không giấu giếm nỗ lực để Kovrig và Spavor được thả. Đó chắc chắn là tin tích cực", Thư ký Báo chí Nhà Trắng nói thêm.
Theo Psaki, Tổng thống Joe Biden đã nêu vấn đề Kovrig và Spavor với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm đầu tháng này. Ông Tập cũng nêu trường hợp của Mạnh Vãn Chu, nhưng hai lãnh đạo không thương lượng bất cứ điều gì.
Những người chỉ trích nói rằng thỏa thuận hoãn truy tố cho thấy Biden đang xoa dịu và nhún nhường Trung Quốc, đồng thời gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng việc "bắt con tin" có tác dụng.
"Đây là quyết định hợp pháp và không thay đổi quan điểm của chúng tôi, của chính quyền này hoặc của Tổng thống. Nó chỉ liên quan đến mối quan tâm của chúng tôi về các hoạt động kinh tế và hành động cưỡng chế", Psaki phản bác.
Theo thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Mỹ, Mạnh Vãn Chu thừa nhận các tình tiết dẫn tới yêu cầu dẫn độ của Washington, gồm cáo buộc gian lận liên quan đến hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Đổi lại, công tố viên Mỹ đình chỉ các cáo buộc có nguy cơ dẫn đến án tù 30 năm cho tới ngày 1/12/2022, sau đó sẽ bỏ cáo buộc nếu Mạnh Vãn Chu tuân thủ các điều khoản.
Kirsten Hillman, đại sứ Canada tại Mỹ, hôm 26/9 được đặt câu hỏi liệu Bộ Tư pháp Mỹ có coi việc thả hai công dân Canada như điều kiện tiên quyết để giải quyết các cáo buộc nhằm vào Mạnh Vãn Chu.
"Hoàn toàn không. Đó là quá trình hoàn toàn độc lập", Hillman trả lời, thêm rằng khi trường hợp Mạnh Vãn Chu gần được giải quyết, chính phủ Trung Quốc quyết định không ích gì khi tiếp tục giam Kovrig và Spavor và bắt đầu đàm phán với quan chức Canada ở Bắc Kinh để thả họ.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 27/9 cho biết Kovrig và Spavor được thả sau khi nộp đơn xin tại ngoại vì "lý do y tế".
Các quan chức Mỹ cho rằng điện thoại, bộ định tuyến (router) và thiết bị chuyển mạch của Huawei, vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới, cung cấp cho tình báo Trung Quốc cửa hậu để xâm nhập và các hệ thống liên lạc toàn cầu. Các cơ quan chính phủ Mỹ bị cấm mua thiết bị của Huawei, Washington cũng gây áp lực buộc các đồng minh phải làm theo.
Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc tập đoàn này do thám cho chính phủ và quân đội Trung Quốc, cho rằng Mỹ muốn cản trở họ tăng trưởng vì không công ty nào của nước này cung cấp công nghệ tương tự với mức giá cạnh tranh. Trung Quốc chỉ trích Mỹ tấn công vào Huawei với lý do chính trị nhằm làm tổn hại sức mạnh kinh tế của nước này.
Huyền Lê (Theo Politico)