"Bất cứ tuyên bố nào nói rằng chính phủ Mỹ vận hành khí cầu do thám trong không phận Trung Quốc đều là sai sự thật", phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson đăng trên Twitter hôm 13/2.
Bà Watson cáo buộc Trung Quốc sở hữu chương trình khí cầu do thám tầm cao để thu thập tin tình báo, kết nối với quân đội Trung Quốc, "xâm phạm chủ quyền của Mỹ và hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới".
"Họ đã nhiều lần tuyên bố khí cầu của họ xuất hiện trong không phận Mỹ là thiết bị thời tiết, nhưng không đưa ra bất cứ lời giải thích đáng tin cậy nào", quan chức Mỹ nói thêm.
Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cũng gọi cáo buộc của Trung Quốc về việc khí cầu Mỹ xuất hiện trong không phận nước này là sai sự thật
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trước đó tuyên bố các khí cầu tầm cao của Mỹ đã bay qua không phận nước này mà không xin phép hơn 10 lần kể từ đầu tháng 1/2022.
Khi được hỏi về cách ứng phó của Trung Quốc, ông Uông nói Bắc Kinh đã hành động "có trách nhiệm và chuyên nghiệp". Ông kêu gọi Mỹ "thay đổi cách hành xử, xem xét lại bản thân thay vì bôi nhọ và buộc tội Trung Quốc".
Căng thẳng Bắc Kinh - Washington tăng nhiệt sau vụ khí cầu Trung Quốc hoạt động trên không phận Mỹ suốt 7 ngày trước khi bị bắn hạ hôm 4/2. Trung Quốc chỉ trích Mỹ hành động thái quá và từ chối điện đàm sau sự việc.
Quân đội Mỹ sau đó trong ba ngày 10-12/2 liên tiếp bắn hạ ba vật thể bay không xác định với lý do gây đe dọa tới ngành hàng không dân dụng.
Lầu Năm Góc cho biết vật thể bị bắn hạ ở Canada ngày 11/2 là một khí cầu kim loại nhỏ, gắn một số thiết bị bên dưới, từng bay qua các "cơ sở nhạy cảm" nhưng chưa rõ nguồn gốc. Giới chức Mỹ chưa xác định vật thể bị bắn rơi ở Alaska ngày 10/2 và ở Hồ Huron, Michigan ngày 12/2 là gì.
Ngọc Ánh (Theo Rolling Stone)