Quyết định này vừa được Uỷ ban châu Âu (EU) đưa ra, áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp với một số thực phẩm nhập vào thị trường EU.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ chịu kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật (ethylene oxide - EO) gồm các loại rau thơm, quả và mỳ ăn liền.
Trước đây các cơ quan an toàn thực phẩm của EU kiểm tra sản phẩm (nhập khẩu, nội địa) theo hình thức định kỳ, ngẫu nhiên hoặc khi có khiếu nại. Các sản phẩm một khi vi phạm sẽ bị tăng tần suất kiểm tra. Tùy mức độ vi phạm mà tỷ lệ kiểm tra trên cả lô hàng có thể là 50%, thậm chí là 100%. Khi kiểm tra liên tục trong một thời gian, thường khoảng 3 tháng, nếu không có vi phạm, mức độ kiểm tra ngẫu nhiên sẽ quay lại như ban đầu.
Nhưng với quyết định lần này, nhà chức trách châu Âu đã bổ sung mặt hàng này vào diện kiểm soát bắt buộc với EO, tỷ lệ kiểm tra trên sản phẩm là 20%.
Trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật thì doanh nghiệp cần có chứng thư từ Cục Thú y, còn nếu thuần tuý các sản phẩm từ thực vật thì liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để được cấp giấy này.
Cũng theo quyết định của EU, các mặt hàng nhập từ Việt Nam, gồm rau mùi, húng quế, bạc hà, rau mùi tây, đậu bắp, hạt tiêu sẽ chịu tỷ lệ kiểm tra ngẫu nhiên là 50%, thanh long là 20%.
Gần đây, một số sản phẩm mỳ ăn liền của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sang thị trường châu Âu bị thông báo thu hồi do chứa chất EO vượt ngưỡng quy định.
Hồi tháng 8, Ireland yêu cầu thu hồi một số lô sản phẩm mỳ tôm chua cay Hảo Hảo, miến ăn liền Good của Acecook Việt Nam vì chứa EO vượt ngưỡng. Còn Đức, Thuỵ Điển, Hà Lan, Na Uy... thì ra cảnh báo với các sản phẩm này.
Một số lô phở khô vị bò gà của Thiên Hương cũng bị Na Uy cảnh báo và thu hồi tại thị trường này do phát hiện lô sản phẩm hạn dùng 7/2/2022 có chứa 0,052 mg/kg-ppm EO.
Đầu tháng 12, Acecook Việt Nam cho biết chủ động đề xuất Pháp thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, hủ tiếu, phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái có chất 2-CE vượt ngưỡng.
Hiện mỗi nước, khu vực đưa ra quy định về chất EO khác nhau, có nơi siết chặt như EU, nhưng cũng có các quốc gia nới lỏng hơn.
Ethylene oxide (EO) thường được sử dụng làm chất khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặt biệt cho các gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.
Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài. Việc sử dụng EO như một hoạt chất trong các sản phẩm bảo vệ thực vật ở EU không được chấp thuận. Tuy nhiên, theo chỉ thị EU số 91/414/EEC về quản lý các sản phẩm bảo vệ thực vật, mức dư lượng giới hạn EO trong sản phẩm là 0,05mg/kg.
Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng ethylene oxide trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide.
Anh Minh