"Chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả vào cuối tuần. Đến nay, mọi thứ có vẻ khả quan", Elon Musk nói với Fab TV trong buổi ra mắt phim Lola ngày 5/2. Ông cho biết một tình nguyện viên đã được cấy chip có tên Telepathy (Thần giao cách cảm) và thiết bị "cho phép điều khiển điện thoại, máy tính và hầu hết thiết bị thông qua chúng chỉ bằng cách suy nghĩ".
Tuần trước, Musk cũng nhắc đến người cấy chip này trên X, cho biết kết quả ban đầu được ghi nhận "phát hiện sự tăng đột biến của tế bào thần kinh đầy hứa hẹn".
Neuralink chưa đưa ra bình luận.
Neuralink được Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Mục tiêu của công ty là phát triển thành công giao diện não - máy tính để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai. Tháng 5 năm ngoái, sau khi Neuralink được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đưa chip vào não người.
Dù được kỳ vọng thay đổi thế giới, mở ra tiềm năng mới như thần giao cách cảm hay cộng sinh với AI, công nghệ cấy chip não của Neuralink không thực sự được người Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Theo cuộc thăm dò mới từ công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov, chỉ 8% số người được hỏi sẽ cân nhắc cấy chip vào não, 82% trả lời không và 10% chưa quyết định.
Con số của YouGov ngược với Pew Research đầu năm 2022. Khi đó, 78% trong số hơn 10.200 người được hỏi phản đối dùng chip não cải thiện khả năng nhận thức của họ. Tuy nhiên, 59% nói sẽ chấp nhận công nghệ này nếu họ có quyền tự chủ, tức có thể bật tắt các chip điều khiển nằm trong não mình theo ý muốn.
Bảo Lâm